Khối u tuyến nước bọt hầu hết là lành tính và thường được phát hiện ở tuyến mang tai. Khoảng 10-12% khối u tuyến nước bọt nằm ở tuyến dưới hàm và gần một nửa các khối u đó có thể là ác tính. Tuy nhiên, bệnh nhân thường đến muộn, vì thế, quá trình điều trị trở nên khó khăn. Một đặc điểm nữa của u tuyến nước bọt là triệu chứng âm thầm trong khi đặc điểm mô bệnh học lại đa dạng, phong phú với các tiên lượng khác nhau đòi hỏi chỉ định điều trị phù hợp.
Một số hình thái thường gặp lành tính
Các khối u lành tính phổ biến nhất của các tuyến nước bọt lớn là u tuyến đa dạng, còn có tên là u hỗn hợp và u Warthin. Về lâm sàng, chúng biểu hiện là các khối phát triển chậm, không gây đau. Tuy nhiên, các tổn thương nhỏ có thể được phát hiện một cách tình cờ khi siêu âm. Khi phân tích hình thái siêu âm của chúng, có thể thấy nhiều đặc điểm chung, nhưng chẩn đoán phân biệt xác định thường không thể dựa siêu âm, ngay cả giữa các khối u lành tính và ác tính.
Cấu tạo tuyến nước bọt.
U tuyến đa dạng thường có ở tuyến mang tai và có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều ở lứa tuổi 40 và 50. Các u tuyến đa dạng thường chỉ có một và ở một bên. Chúng phát triển chậm và có thể không có triệu chứng. Các khối u tuyến đa dạng để lâu không được điều trị có thể di căn thành u ác tính gây nguy hiểm cho người bệnh.
U Warthin là loại u lành tính khác cũng hay gặp, chiếm 5-10% khối u lành tính của tuyến nước bọt. Bệnh thường xảy ra ở nam giới lứa tuổi 50 và 60. Theo nghiên cứu ở những người hút thuốc lá có thể gặp nhiều hơn ở người bình thường. Bệnh thường thấy ở một khối, ở một bên và phát triển chậm. Khoảng 10- 60% trường hợp các khối u có thể hai bên hoặc nhiều khối, đôi khi khác thì, phát triển và biểu hiện lâm sàng ở các thời điểm khác nhau. Có trường hợp thành phần biểu mô của u Warthin chuyển đổi ác tính.
U tế bào hạt có thể gặp ở một số tuyến khác nữa như tuyến giáp, thận. U có màu nâu và được cấu tạo bởi các hạt có hình thể đa dạng trong nhu mô của tuyến.
Những khối u lành tính khác như: u tế bào đáy hiếm gặp tỷ lệ 2% và chủ yếu ở tuyến mang tai 75%; hay gặp ở tuổi 60 và cả ở hai giới. U là một nhân nhỏ, không đau, có vỏ bọc rõ, mật độ chắc, di động và nằm ở thùy nông của tuyến…
Các khối u ác tính
Khác với các khối u tuyến nước bọt lành tính, các khối u ác tính có thể phát triển nhanh, đau khi chạm vào, có thể dính với mô bao quanh, có thể gây liệt nhẹ hoặc liệt dây thần kinh mặt.
Các đặc điểm của u ác tính tuyến nước bọt bao gồm: hình dạng không đều, ranh giới không đều, bờ mờ, cấu trúc giảm âm không đồng nhất. Tuy nhiên, các khối u ác tính cũng có thể đồng nhất và có ranh giới rõ. Cấu trúc bên trong của khối u ác tính trên siêu âm không những ở dạng đặc, mà có thể là nang hoặc nang với nốt đặc ở thành. Các khối u ác tính có thể chia thùy múi, tương tự hình dạng của ung thư biểu mô dạng nhày bì.
Ung thư biểu mô dạng nhày bì là khối u phát triển chậm, cho thấy xu hướng đặc biệt đối với sự thâm nhiễm thần kinh (do đó gây đau) và di căn muộn thường xảy ra. Ung thư biểu mô dạng nhày bì có thể cho thấy một vài mức độ biệt hóa và do đó có những xu hướng khác nhau đối với sự thâm nhiễm, di căn và tiến triển; dạng kém biệt hóa thì xâm lấn nhanh.
Ung thư biểu mô tế bào gai (Spinocell – carcinoma tế bào gai, carcinoma cầu sừng): vì các tế bào có sự liên kết các tế bào ung thư khác nhau. Tổn thương phát triển như một tổn thương u loét, thâm nhiễm hoặc sùi. Vị trí tổn thương 90% u ở niêm mạc miệng và thường là loại loét sùi ở trong niêm mạc miệng. Là u tế bào gai vì u có các sợi nhỏ liên kết các tế bào u lại với nhau, có cấu trúc thùy, đám làm thành lớp đồng tâm, gồm các tế bào biểu mô dị dạng.
Ngoài ra còn gặp các loại ung thư biểu mô bọc dạng tuyến, ung thư biểu mô dạng túi tuyến (acinic cell carcinoma)…
Chẩn đoán như thế nào?
Ngoài các biểu hiện lâm sàng thì các bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm như: Siêu âm để biết vị trí, kích thước, bản chất khối u, đồng nhất hay nhiều nhân; Chọc hút thử tế bào: là thử nghiệm chẩn đoán có giá trị và nên sử dụng thường quy trước khi điều trị (độ tin cậy từ 58-96%). Kết quả có giá trị khi dương tính, nếu kết quả âm tính không cho phép loại trừ u ác tính. Ngoài ra, các bác sĩ còn chỉ định cho chụp CT scan và MRI giúp đánh giá kích thước, vị trí, giới hạn, bờ, sự xâm lấn, tương quan của khối u với các cấu trúc lân cận. Tuy nhiên, kỹ thuật này không giúp phân biệt chính xác khối u lành hay ác tính nên phải làm thêm sinh thiết mới phát hiện được ra u lành hay u ác.
BS. Huy Thành