Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có hơn 300 triệu người trên toàn thế giới đang phải chung sống với căn bệnh trầm cảm ở các mức độ, tăng hơn 18% trong giai đoạn 2005-2015… Thiếu sự hỗ trợ cho người bị rối loạn tâm thần cùng với nỗi sợ hãi, kỳ thị của cộng đồng khiến nhiều người mắc trầm cảm giấu kín tình trạng bệnh tật và từ chối tiếp cận các phương pháp điều trị.
Ước tính mới này sẽ được công bố vào ngày 7/4 là ngày cao điểm trong chiến dịch kéo dài một năm của WHO với khẩu hiệu: “Trầm cảm: Chúng ta hãy nói chuyện”. Mục tiêu tổng thể của chiến dịch là ngày càng nhiều người bị trầm cảm ở khắp nơi trên thế giới và họ cần nhận được sự trợ giúp của người thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng xã hội. Tổng Giám đốc WHO – TS. Margaret Chan cho biết: “Những con số này là lời cảnh báo cho tất cả quốc gia phải suy xét lại cách tiếp cận đối với sức khỏe tâm thần và phải xem sức khỏe tâm thần như một tình trạng cấp bách và cần nhận được sự quan tâm xứng đáng”. Một trong những bước đầu tiên là giải quyết các vấn đề về thành kiến và kỳ thị của cộng đồng đối với căn bệnh trầm cảm. Đối với những người mắc bệnh trầm cảm thì bước đầu tiên để điều trị và phục hồi chính là nói chuyện được với người mà họ tin tưởng.
Nhu cầu cấp bách về việc tập trung điều trị bệnh trầm cảm
Ở nhiều quốc gia, không có hoặc rất ít hỗ trợ sẵn có đối với những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần. Ngay cả ở các nước có thu nhập cao, gần 50% người trầm cảm không được điều trị. Trung bình chỉ có 3% ngân sách y tế của Chính phủ được đầu tư cho sức khỏe tâm thần và ở những quốc gia có thu nhập thấp con số này là dưới 1%.
Đầu tư cho sức khỏe tâm thần có ý nghĩa lớn về kinh tế. Mỗi một đô-la Mỹ đầu tư để điều trị bệnh trầm cảm sẽ có 4 đô-la Mỹ quay trở lại bởi sự phục hồi của sức khỏe và khả năng làm việc. Điều trị thông thường đối với căn bệnh trầm cảm là nói chuyện với chuyên gia tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm hoặc kết hợp cả hai liệu pháp này. Cả hai cách tiếp cận đều được cung cấp bởi các nhân viên y tế không chuyên khoa được đào tạo một khóa ngắn hạn và sử dụng Hướng dẫn can thiệp mhGAP của WHO. Hơn 90 quốc gia đã sử dụng Hướng dẫn can thiệp này. Theo một nghiên cứu của WHO, chi phí để điều trị trầm cảm và thiệt hại do trầm cảm gây ra ở 36 quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong 15 năm từ năm 2016 – 2030 khoảng một nghìn tỷ đô-la Mỹ mỗi năm. Những thiệt hại ngay cả với bản thân các gia đình có thành viên mắc bệnh trầm cảm đó là mất đi nguồn lao động, chi phí điều trị cho căn bệnh. Đối với người sử dụng lao động, có nhân viên bị trầm cảm dẫn đến hiệu suất lao động kém hơn và Chính phủ phải trả các chi phí y tế và phúc lợi cho việc chăm sóc điều trị căn bệnh này cao hơn.
Nguy cơ sức khỏe liên quan
Buồn chán, bi quan, dễ mệt mỏi, không quan tâm đến bất cứ điều gì là những biểu hiện của bệnh trầm cảm. WHO đã xác định mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng trầm cảm, các rối loạn và bệnh tật không lây lan khác. Trầm cảm làm tăng nguy cơ rối loạn sử dụng chất gây nghiện và các bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim; ngược lại, những căn bệnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các tỷ lệ tự tử cao, ước tính khoảng hơn 800.000 ca tự tử mỗi năm do căn bệnh này. Ngoài ra, người mắc bệnh trầm cảm còn có các nguy cơ sức khỏe: mất năng lượng, không kiểm soát được sự thèm ăn, ngủ nhiều hoặc ít hơn, lo lắng, căng thẳng kéo dài, cảm giác vô dụng, tội lỗi hoặc tuyệt vọng. Sự bế tắc trong tư tưởng dẫn tới tự gây tổn thương cho bản thân hoặc dẫn đến tự sát. TS. Shekhar Saxena – Giám đốc cơ quan Sức khỏe tâm thần và Lạm dụng chất gây nghiện của WHO cho biết: “Những gì cần làm là duy trì và mở rộng các dịch vụ sức khỏe tâm thần để những dịch vụ này có thể tiếp cận được với tất cả những người mắc căn bệnh trầm cảm, ngay cả ở những cộng động xa xôi nhất trên thế giới”.
H. Minh
((Theo WHO, 4/2017))