Với những người mắc bệnh này, họ mang một nỗi ám ảnh vì căn bệnh dai dẳng và không có biện pháp điều trị dứt điểm. Trong lịch sử có một số biện pháp kỳ lạ đã được ứng dụng để điều trị bệnh này.
Liệu pháp insulin – hôn mê
Năm 1927, BS. Manfred Sakel (người Áo) đã vô tình tiêm nhầm cho một bệnh nhân nữ (nghiện ma túy nặng và bị ảo giác) liều insulin lớn khiến nữ bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Tuy nhiên, sau khi tỉnh lại, bệnh nhân cho biết không còn cảm giác nghiện ma túy nữa và chứng ảo giác cũng không còn. BS. Sakel đã áp dụng liệu pháp insulin này với nhiều bệnh nhân mắc bệnh tâm thần khác và tỷ lệ thành công được báo cáo lại là 90%, phần lớn trong số đó là bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. Cách điều trị và sự thành công của BS. Sakel đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Bởi với một lượng lớn insulin có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm mạnh, làm cho não bị bỏ đói, đẩy bệnh nhân vào trạng thái hôn mê. Nhưng tại sao trạng thái vô thức này lại giúp bệnh nhân thoát khỏi bệnh tâm thần lại vẫn chưa được giải thích rõ. Tuy nhiên, do biện pháp này nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khoảng 1-2% và những bệnh nhân phục hồi cũng rơi vào trạng thái vận động kém, do đó nó không được ứng dụng rộng rãi.
Khoan sọ
Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học thường bắt gặp những cái lỗ hình tròn, được khoan rất cẩn thận trong hộp sọ của người cổ xưa. Họ cũng phát hiện rằng những lỗ khoan này được tạo ra một thời gian dài trước khi thân chủ tạ thế. Đây là kết quả của một trong những cách điều trị bệnh tâm thần sớm nhất của nhân loại, gọi là khoan sọ. Người xưa tin rằng ma quỷ ẩn náu linh hồn của chúng bên trong sọ khiến bệnh nhân phải chịu sự khổ sở của những cơn đau hoặc những hình ảnh ma quái xuất hiện trong đầu. Thủ thuật khoan sọ được áp dụng từ thời kỳ Đồ Đá Mới cho đến đầu thế kỷ 20 để trị bệnh lý tâm thần. Sau này, khi y học phát triển, các bác sĩ đã ứng dụng cách chữa bệnh hạn chế xâm lấn. Dù vậy, phương pháp khoan sọ trong điều trị bệnh lý tâm thần cho đến nay vẫn còn tồn tại với kỹ thuật hiện đại hơn.
Bác sĩ người Áo – Manfred Sakel – người đã khai sinh liệu pháp insulin để cứu người bệnh tâm thần phân liệt, nhưng cách thức này ít được áp dụng vì khá nguy hiểm.
Thủy liệu pháp
Vào đầu thế kỷ 20, thủy liệu pháp đã được các thầy thuốc áp dụng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Họ cho rằng việc ngâm người vào nước sẽ mang lại cảm giác êm ái và biện pháp này đã mang lại một số hiệu quả. Khi đó các bác sĩ tâm thần cố gắng khắc phục bằng cách áp dụng nhiều cách trị liệu nước khác nhau. Ví dụ, bệnh nhân tâm thần có dấu hiệu mệt mỏi sẽ được đưa vào nhà tắm ngâm nước và họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Những bệnh nhân nặng hơn và rơi vào trạng thái hôn mê sẽ được phun vòi nước mạnh để cho tỉnh lại và thấy bình thản hơn. Một trong những cách thức quái đản là quấn khăn quanh người bệnh nhân tâm thần rồi ngâm họ vào nước đá lạnh. Các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân ngâm người hàng tiếng đồng hồ hoặc ngâm nước cả ngày và chỉ được phép rời khỏi bồn tắm khi có nhu cầu đi vệ sinh. Một số bác sĩ khác còn áp dụng biện pháp phun nước áp suất cao bằng vòi cứu hỏa. Cuối cùng thì cách điều trị cực đoan này được thay thế bằng thuốc tâm thần nhằm đem lại sự hiệu quả và dễ chịu nhất cho bệnh nhân. Thủy liệu pháp chỉ còn ứng dụng những cách êm dịu như ngâm người trong bồn tắm nước ấm, mát-xa…
Liệu pháp nam châm
Bác sĩ người Áo-Franz Mesmer (1734-1815) đã đưa ra lý thuyết có thể điều trị cho bệnh nhân tâm thần bằng biện pháp thôi miên. Tuy nhiên, lúc đó, lý thuyết này không được đưa vào ứng dụng mà sau đó BS. Luke Skywalker mới phát triển và đưa vào thực tế điều trị. BS. Skywalker cho rằng lực hấp dẫn trên mặt trăng đã ảnh hưởng tới dịch cơ thể theo cùng cách mà nó tác động tới thủy triều. Và một số căn bệnh trong đó có bệnh tâm thần được hình thành là so sự thay đổi của mặt trăng. Theo đó, BS. Skywalker đã sử dụng trọng lực và nam châm để điều trị bệnh tâm thần. Ông cho rằng nếu nam châm đặt lên một số khu vực nhất định của bệnh nhân, nó sẽ chống lại ảnh hưởng gián đoạn của trọng lực mặt trăng và đồng thời làm phục hồi dòng chảy của dịch cơ thể. Nhiều bệnh nhân ca tụng rằng cách chữa bệnh bằng nam châm là “tiên dược”, nhưng cộng đồng y khoa thời kỳ đó đã bác bỏ và xem đó là biện pháp “mê tín dị đoan”. Ngày nay, BS. Mesmer được xưng tụng là cha đẻ của thuật thôi miên hiện đại và tên của ông sống mãi trong từ tiếng Anh là “mesmerize” nghĩa là thôi miên.
Phẫu thuật thùy não
Phẫu thuật thùy não hiện đại là sản phẩm trí tuệ của BS. Egas Moniz (người Bồ Đào Nha). BS. Moniz tin rằng các căn bệnh tâm thần được hình thành bởi các vấn đề trong nơ-ron thần kinh của thùy trán. BS. Moniz đã thử nghiệm cắt thùy trán của những con khỉ có hành vi càn quấy. Sau đó, ông đã áp dụng điều tương tự cho một số bệnh nhân của mình cho thấy kỹ thuật này có thể chữa lành căn bệnh mất trí trong khi phần chức năng thần kinh của bệnh nhân vẫn giữ nguyên bình thường. Điều này đã khiến cho BS. Monniz được nhận giải Nobel vào năm 1949.
NGUYỄN THANH HẢI
((Mental Floss, 2017))