Liệu pháp nhắm trúng đích EGFR trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ

Về phân loại để điều trị, ung thư phổi được chia thành ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó thường gặp là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, dạng tế bào tuyến thường gặp nhất (trên 80% các ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Việt Nam). Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tiến xa, đã có di căn có thời gian sống trung bình chỉ khoảng 3-6 tháng từ khi phát hiện bệnh; và biện pháp điều trị lúc này gồm truyền hóa chất, xạ trị,…chỉ có tác dụng giảm đau, nâng đỡ và thời gian sống thêm trung bình chỉ thường từ 6 tháng đến dưới 1 năm, kể cả sử dụng các thuốc hóa trị rất đắt tiền mới phát triển sau này. Hóa trị thường có nhiều tác dụng phụ và chỉ thực hiện được đối với người bệnh có sức khỏe, tổng trạng còn khá. Người bệnh có tổng trạng, sức khỏe kém thì khả năng điều trị rất hạn chế, chỉ có ý nghĩa tạm bợ và hiệu quả rất thấp.

Thật đáng mừng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong Y sinh học, đã có nhiều tiến bộ mới trong điều trị ung thư phổi. Đặc biệt, trong lĩnh vực sinh học phân tử, các nhà khoa học đã tìm ra các thuốc mới, tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển ung thư phổi. Phương pháp này còn được gọi là điều trị đích hay liệu pháp nhắm trúng đích vì thuốc tác động đúng vào tế bào ung thư qua các phân tử đặc hiệu này.

Một trong những liệu pháp nhắm trúng đích đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư phổi là tác động vào đột biến EGFR của tế bào ung thư. Hiện nay, tại thị trường Việt Nam có 2 loại thuốc theo cơ chế này với hoạt chất là gefitinib và erlotinib. Thuốc tác động vào đột biến EGFR là thuốc dạng viên uống hàng ngày, tác dụng phụ ít hơn nhiều so với truyền hóa chất nên người bệnh vẫn được điều trị tại nhà, không phải vào bệnh viện để truyền thuốc và những người có tổng trạng, sức khỏe kém, không thể chịu đựng được việc hóa trị vẫn

có thể sử dụng được. So với truyền hóa chất kinh điển, liệu pháp này có hiệu quả cao hơn, hiệu quả cả với những trường hợp đã không còn đáp ứng với hóa trị nếu tế bào ung thư có đột biến EGFR nhạy thuốc. Có nhiều nghiên cứu trên toàn thế giới đã cho thấy thuốc giúp kéo dài thời gian bệnh cải thiện, ổn định, không tiến triển thêm đến 1 năm và có độ an toàn cao, ít tác dụng phụ. Để việc điều trị thật sự có hiệu quả, cần cá thể hóa từng bệnh nhân, cần xét nghiệm cho từng người bệnh để xác định có đột biến EGFR nhạy thuốc thì thuốc mới thật sự có tác dụng. Các hướng dẫn điều trị ung thư phổi hiện nay trên thế giới đều khuyến cáo làm xét nghiệm để tìm đột biến EGFR cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn bệnh đã tiến xa, hay đã có di căn, đặc biệt là dạng tế bào tuyến; và thuốc tác động vào đột biến EGFR là thuốc được lựa chọn hàng đầu, hiệu quả nhất đối với những trường hợp có đột biến nhạy thuốc. Người châu Á có tỉ lệ đột biến EGFR trong ung thư phổi không tế bào nhỏ cao hơn các chủng tộc khác. Một nghiên cứu đa quốc gia (nghiên cứu PIONEER) cho thấy có trên 40% người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ dạng tế bào tuyến ở Việt Nam có đột biến EGFR nhạy thuốc (Dữ liệu từ nhóm nghiên cứu Pioneer tại Việt Nam báo cáo nghiệm thu tại BV Chợ Rẫy). Như vậy có rất nhiều bệnh nhân có khả năng được hưởng lợi từ liệu pháp điều trị này.

Tóm lại, liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ là biện pháp điều trị có hiệu quả, khả thi, có khả năng áp dụng được cho nhiều bệnh nhân và khá an toàn. Liệu pháp này đã mở ra một viễn cảnh tươi sáng hơn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, mang lại thêm hy vọng trong việc điều trị một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay là ung thư phổi.

PGS.TS. Nguyễn Văn Khôi, PGS.TS. Trần Văn Ngọc, BS. CKII. Đặng Vũ Thông

Bệnh viện Chợ Rẫy

Tài liệu tham khảo:

  1. Yuankai Shi, et al. A Prospective, Molecular Epiderminology Study of EGFR Mutation in Asian patients with Advanced non-smal cell lung cancer of Adenocarcinoma histology (PIONEER). J Thorac Oncol. Feb 2014; 9(2): 154-162 Abstract/FREE Full Text.
  2. Ferlay J et al. GLOBOCAN 2008 v2.0, . Cancer Incidence and Mortality Worldwide: IARC Cancer base No. 10 [internet]. Lyon, France: International Agency for Research on Cancer; 2010. Availade from: http://globocan.iarc.fr, accessed on 23/12/2012
  3. Mok T et al. N engl J Med. 2009; 361: 947-957
  4. R Rosell…F de Marinis et al, Lancet Oncology 2012
  5. Schiller JH, et. al. , NEJM January 2002
  6. Guideline NCCN Ver.1 2016 Non-small cell lung cancer
Rate this post