Ông cháu 78 tuổi, đang đi xe đạp thấy khuỵu chân phải không đi được, gia đình đưa ông vào bệnh viện huyện, bác sĩ nghi huyết khối tĩnh mạch sâu và chuyển viện tuyến trên khám và điều trị. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân? Bệnh huyết khối tĩnh mạch nguy hiểm thế nào?
Lê Thị Hằng([email protected])
Huyết khối tĩnh mạch là bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất của hệ thống tĩnh mạch. Nguy cơ lớn nhất của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là cục máu có thể tách ra, trôi theo dòng máu lên phổi gây nghẽn mạch phổi. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch, đó là tình trạng chậm lưu chuyển dòng máu trong tĩnh mạch, đặc biệt là bàn chân và cẳng chân; tổn thương nội mạc mạch máu do nhiễm khuẩn, chấn thương; tình trạng tăng đông máu. Dòng máu chậm lưu chuyển có thể do một sự cản trở giữa ngoại biên với quả tim. Sự vận động các bắp cơ giúp cho dòng máu tĩnh mạch trở về tim thuận lợi hơn. Vì vậy nguyên nhân hàng đầu của dòng máu chảy chậm là bất động kéo dài, xảy ra khi bị gãy xương phải bó bột, nằm lâu khi phẫu thuật, bệnh nặng, thậm chí trong một chuyến đi dài trên ôtô, máy bay… Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể không gây triệu chứng, cũng có thể gây sưng nề và đau một chân. Nhiều khi triệu chứng đầu tiên của sự tồn tại huyết khối chỉ xuất hiện khi cục máu đông bắn lên phổi gây nghẽn mạch phổi (người bị bệnh ho ra máu kèm theo khó thở, đau ngực). Nếu nghẽn mạch phổi có thể gây chết người và là một trong những nguyên nhân đột tử. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu phải tiến hành tại cơ sở y tế có trung tâm tim mạch bao gồm: các thuốc chống đông máu, tiêu huyết khối, các thuốc này khi dùng cần theo dõi chặt chẽ, kết hợp mang vó (tất) nén. Trường hợp ông cháu được chuyển viện để điều trị là hoàn toàn đúng.
BS. Đinh Thị Thanh