Gai xương là các mỏm xương mọc ra phía ngoài và hai bên của cột sống, hậu quả của sự lắng đọng canxi ở bờ đốt sống hoặc ở dây chằng đốt sống. Gai thường mọc ở mặt trước và bên của cột sống, hiếm khi mọc ở phía sau nên ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh. Gai thường xuất hiện ở đốt sống cổ và thắt lưng, vì hai bộ phận này hoạt động nhiều nhất, nên dẫn đến tình trạng khớp thoái hóa nhanh. Gai cột sống thường gặp ở người tuổi từ 40 trở lên. Nam bị nhiều hơn nữ. Ở nam giới phần lớn là do lao động nặng. Tuy nhiên nữ giới ở tuổi mãn kinh cũng hay bị gai cột sống.
Nguyên nhân chính gây gai cột sống
Thoái hóa cột sống: Trong bệnh thoái hóa cột sống, đĩa đệm bị thoái hóa, xẹp xuống, sụn khớp bị hao mòn dần, trở nên thô ráp, xù xì, hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ sát lên nhau. Kết quả là hình thành gai xương, chính là phản ứng tự điều hòa của cơ thể. Lúc đầu là tăng diện tích tiếp xúc giữa thân đốt sống, có tác dụng giảm tải, dàn đều lực lên đốt sống bị tổn thương. Tuy nhiên khi gai xương trở nên to và dài lại chèn ép vào thần kinh, dây chằng gây đau.
Thoái hóa đĩa đệm cột sống là một nguyên nhân hình thành gai xương cột sống.
Viêm khớp cột sống mạn tính: Viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống đĩa đệm do nhiễm khuẩn hay lao cột sống có thể là nguyên nhân gai cột sống. Quá trình viêm ảnh hưởng đến phần toàn bộ khớp cột sống bao gồm cả gân, dây chằng, sụn khớp, thân đốt sống. Dần dần đốt sống bị xơ hóa, mọc gai. Hoặc do lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống. Gai cột sống có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi.
Chấn thương (do nghề nghiệp, tập thể thao, tai nạn xe cộ): Gai xương là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi liên tục bị chấn thương do bị sức ép, va chạm, cọ xát. Thí dụ những người làm nghề khuân vác nặng gây tăng áp lực lên cột sống, chấn thương làm hư hại xương hoặc khớp ở cột sống, phản ứng của cơ thể để sửa chữa nơi bị tổn thương sẽ dẫn đến sự hình thành gai cột sống.
Ngoài ra, yếu tố di truyền, béo phì, tư thế cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Có những người mang gen có tác dụng làm cho đĩa đệm, xương đốt sống của họ yếu hơn bình thường, khiến cột sống mọc gai ngay từ tuổi còn tương đối trẻ (20-30 tuổi). Người béo phì, người dáng đi đứng không ngay ngắn khiến cột sống xiêu vẹo cũng có nguy cơ bị gai cột sống.
Gai cột sống có khác với gai đôi cột sống?
Thông thường chỉ cần chụp Xquang cột sống là có thể phát hiện rõ hình ảnh gai cột sống. Tuy nhiên để phát hiện chính xác các nguyên nhân gây bệnh thì cần làm thêm một số xét nghiệm khác như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm.
Gai đôi cột sống là một dị tật cột sống bẩm sinh, thường xảy ra ở vùng thắt lưng – cùng. Trên phim chụp Xquang cột sống thắt lưng, thấy gai sau của cột sống không dính liền nhau mà lại tách đôi, để lại một khe hở ở giữa, do tổ chức sụn xơ không cản quang vì không được cốt hóa. Tỷ lệ mắc là 2/1.000 trẻ được sinh ra. Hiện nay, người ta cho rằng tỷ lệ bị gai đôi cột sống ở bào thai có thể giảm tới 70% khi người mẹ được cho uống acid folic bổ sung trước khi có thai. Gai đôi cột sống chỉ được coi là bệnh lý khi có thoát vị màng não qua lỗ hở.
Xu hướng điều trị gai cột sống là bảo tồn
Nếu có gai nhưng không gây đau thì không cần điều trị. Xu hướng điều trị của bệnh gai cột sống là điều trị bảo tồn và sẽ cắt bỏ gai khi thật cần thiết. Cần phát hiện và điều trị nguyên nhân gây ra gai cột sống. Đầu tiên, người bệnh phải nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, giảm áp lực lên các vùng bị đau. Có thể dùng nẹp cổ, đai lưng… để giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh. Bác sĩ sẽ cho dùng thuốc để khống chế đợt đau cấp của bệnh. Thường dùng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, nhóm giãn cơ, tiêm cạnh cột sống bằng thuốc chống viêm steroid. Ngoài ra cần điều trị hỗ trợ giúp giảm đau và tăng vận động như mát-xa, châm cứu, vật lý trị liệu. Hồng ngoại, điện xung, điện dẫn thuốc, siêu âm dẫn thuốc thường có kết quả tốt. Sau khi bệnh nhân qua cơn đau cấp cần tập phục hồi chức năng vận động. Điều trị phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi người bệnh bị đau nghiêm trọng, mạn tính, có chèn ép vào tủy, chèn ép các rễ thần kinh ở cột sống gây nên rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác, liệt.
Xoa bóp, bấm huyệt điều trị thoái hóa đốt sống cổ.
Coi chừng biến chứng của gai cột sống có thể dẫn đến tàn phế
Những biến chứng nặng cần phải được phát hiện và điều trị nhanh chóng của gai cột sống là: Với người bị gai đốt sống cổ, triệu chứng đầu tiên là đau cổ, đau vai gáy, nhức đầu, đau lan xuống tay, thậm chí đến các ngón tay. Với người bị gai đốt sống thắt lưng thì đau thắt lưng, đau hông, đau có thể xuống chân theo kiểu đau thần kinh tọa. Đau làm hạn chế vận động cổ, vai, thắt lưng. Dần dần, cơ bắp yếu đi, đặc biệt là ở tay và chân. Bệnh nhân có dáng đi vẹo vọ hoặc lưng còng xuống. Một số ít các trường hợp, chèn ép thần kinh nặng gây bí tiểu, táo bón, thậm chí đại tiểu tiện không tự chủ, bệnh nhân trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong.
Không tự điều trị khi bị gai cột sống
Khi bị gai cột sống, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa khám, chỉ định chính xác dùng loại thuốc gì. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh để kê đơn thuốc sao cho hiệu quả nhất. Đa số các thuốc điều trị gai cột sống đều có tác dụng phụ đến dạ dày nên phải uống thuốc sau khi ăn. Không nên lạm dụng, tự ý dùng thuốc corticoid, hay thuốc đông dược pha thêm corticoid. Tác dụng chống viêm sẽ mau hơn nhưng tác dụng phụ có hại cũng rất nhiều. Người bệnh cần xác định thái độ điều trị lâu dài, kết hợp rất nhiều biện pháp khác nhau. Thường xuyên kiểm tra tiến triển của bệnh trong quá trình điều trị, thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ của thuốc để điều chỉnh kịp thời. Luôn giữ gìn đơn thuốc, mang theo kết quả xét nghiệm mỗi lần khám, giúp bác sĩ đánh giá kết quả điều trị. Tránh tự ý làm nhiều xét nghiệm vừa lãng phí thời gian, tiền của, công sức, tránh hại sức khỏe. Người bệnh cũng lưu ý tập luyện và chọn lựa môn thể thao nhẹ nhàng, hợp lý để tăng cường sức dẻo dai, bền bỉ cho cột sống, như đi bộ, đi xe đạp tập, bơi lội, thể dục nhịp điệu. Tránh những môn thể thao bắt cột sống phải chịu trọng lượng lớn như nhảy cao, đẩy tạ… Người bệnh nên có các bài tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia xương khớp hay phục hồi chức năng; có liều lượng, tăng dần về cường độ, thời gian, độ khó… Nên tập thể dục đều đặn.
PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc