Bệnh dày sừng nang lông là bệnh ngoài da, tổn thương thường gặp ở mặt duỗi cánh tay, đùi, cẳng chân. Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhất là đối với nữ. Vậy, cần làm gì khi mắc căn bệnh này?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Đến nay nguyên nhân của bệnh dày sừng nang lông vẫn có nhiều quan điểm và chưa rõ. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở những người có da khô. Đa số các nhà chuyên môn cho rằng đây là bệnh liên quan đến thiếu vitamin A, C, thiểu năng tuyến giáp, tiếp xúc với hóa chất, có liên quan đến thể tạng dị ứng,… Dày sừng nang lông có thể do sự tích tụ chất keratin nhiều ở lỗ chân lông. Keratin là loại protein tự nhiên của da, bình thường nó được tạo ra một cách tự nhiên, khi tắm và kỳ cọ mạnh thì chất này sẽ bị bong tróc ra. Trong bệnh dày sừng nang lông thì chất keratin được tạo ra nhiều hơn một cách bất thường làm bít lỗ chân lông, khiến sợi lông không mọc ra ngoài được. Đây là bệnh có thể có liên quan đến yếu tố di truyền.
Ngoài ra, một số trường hợp do nấm gây viêm nang lông cấp tính hoặc do yếu tố sinh bệnh như: dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch, chấn thương, môi trường vệ sinh kém. Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải dày sừng nang lông đó là hay xuất hiện ở những người có da khô, viêm da cơ địa, thừa cân, béo phì, mày đay mạn tính,…
Ai dễ mắc?
Đây là một bệnh rất thường gặp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ có nguy cơ nhiều hơn nam giới. Theo thống kê, bệnh xảy ra nhiều ở những người trong độ tuổi thanh thiếu niên và khoảng 40% ở người lớn. Bệnh cũng thường gặp ở những trẻ em bị viêm da cơ địa, mặc dù tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và tuổi thanh thiếu niên, ít gặp ở người cao tuổi.
Gây mất thẩm mỹ
Dày sừng nang lông gây mất thẩm mỹ khiến nhiều người không tự tin khi mặc quần áo ngắn tay. Đây là một dạng da khô rất thường gặp được đặc trưng bởi tình trạng bít tắc các lỗ nang lông bởi các vảy da, làm cho da cảm giác thô ráp bởi những tế bào da chết bị bít tắc lại. Hình thành những chấm gồ nhỏ trên da sờ vào nhám giống như da gà, lông có thể gãy ngang thành những chấm đen hoặc có thể teo xoắn ở cổ nang lông. Có một số người lại nhầm tưởng chúng là những cái mụn nhỏ.
Triệu chứng là có những sần nhỏ kích thước khoảng 1-2mm, màu hơi trắng hoặc xám. Vị trí thường gặp nhất là ở mặt ngoài 2 cánh tay, phần bên ngoài 2 đùi, ít hơn ở mông, cẳng tay, có thể gặp ở vùng mặt làm dễ lầm với mụn. Đôi khi vùng bị bệnh viêm đỏ ngứa. Bệnh không gây tác hại gì, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khi chất sừng được cào cho tróc ra thì có thể thấy có một sợi lông nằm cong bên dưới, dùng tay khều thì sợi lông sẽ mọc lên được.
Bệnh không xảy ra ở vùng không có nang lông như lòng bàn tay, lòng bàn chân. Có một số người có tình trạng da khô vảy cá đi kèm. Bệnh dày sừng nang lông kéo dài quanh năm, bệnh thường kéo dài nhiều năm, đến tuổi trung niên bệnh giảm hoặc tự mất.
Cần làm gì khi mắc dày sừng nang lông?
Về điều trị, chủ yếu mang tính chất điều trị triệu chứng, tức là làm tiêu dần các nút sừng và hạn chế tái phát. Các hoạt chất giúp tiêu sừng mạnh là vitamin A và các dẫn xuất của nó. Ngoài ra, cũng có thể dùng các chế phẩm bôi để hạn chế tác dụng phụ khi dùng thuốc uống.
Tuy nhiên, việc bôi các hóa chất này có thể gây tác dụng phụ tại chỗ như da khô, đỏ, tróc vảy, ngứa. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Người bệnh cần chăm sóc da tốt để có kết quả điều trị hữu hiệu bằng cách hàng ngày vệ sinh da sạch sẽ, kỳ cọ da nhẹ nhàng, tránh chà xát vì điều này thường làm bệnh nặng thêm. Tránh xà phòng và các chất tẩy rửa mạnh, chọn loại xà phòng làm sạch đơn giản. Sau khi tắm có thể làm mềm bằng kem dưỡng ẩm và mỡ bạt sừng, mục đích làm bong chóp sừng ở nang lông nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Chế độ ăn đúng cách sẽ giúp tái tạo da, ngăn ngừa quá trình lão hóa, giảm tổn thương nặng do bệnh. Người bệnh cần có chế độ ăn giàu vitamin A, bổ sung các loại trái cây cho cơ thể. Trong trái cây, rau xanh có rất nhiều loại vitamin, dưỡng chất tốt cho cơ thể, an toàn khi điều trị dày sừng nang lông. Một số loại quả bạn có thể dùng khi mắc căn bệnh này là bưởi, cà chua, cam, táo, lê,… Ngoài ra, cần bổ sung các thực phẩm chứa protein và các vi chất, các thực phẩm chứa protein như kẽm, sắt,… có trong thịt bò, cá, cua, tôm. Cá hồi là thực phẩm giàu omega-3, giúp cải thiện được tình trạng viêm lỗ chân lông trên da.
Người mắc bệnh dày sừng nang lông cần hạn chế các loại thực phẩm có tính chất cay nóng như ớt, hạt tiêu, thực phẩm chiên rán… dễ gây độc cho gan. Chúng sẽ làm suy giảm chức năng gan và xuất hiện các bệnh về da, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng viêm nang lông của làn da. Các món ăn được chế biến từ nội tạng động vật cũng có thể là một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì, tim mạch khiến viêm nang lông trở nên nặng hơn. Hạn chế các chất kích thích có trong rượu, bia, thuốc lá, cà phê là nguyên nhân làm cho bệnh dày sừng nang lông trở nên trầm trọng hơn; làm quá trình hồi phục vết thương trở nên chậm chạp hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của làn da.
BS. Nguyễn Văn Thường