Một thói quen rất hay mắc phải của đàn ông có thể khiến gây đau thần kinh tọa và đau lưng mà ít ai ngờ đến – đó là để ví ở túi quần sau – được biết như “hội chứng ví dày” hay “đau thần kinh toạ do ví dày”, thuật ngữ y học gọi là hội chứng cơ quả lê, vì tình trạng này có thể bị gây ra bởi tư thế ngồi với một cái ví lớn ở dưới hông một thời gian dài.
Hội chứng từ một thói quen đơn giản
Hội chứng cơ quả lê là một rối loạn thần kinh cơ xảy ra khi thần kinh tọa bị chèn ép hoặc bị kích thích mà nguyên nhân do sự co cứng của cơ quả lê gây nên đau, cảm giác thắt chặt và tê bì ở vùng mông rồi lan xuống dưới chân theo đường đi của dây thần kinh tọa… Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân đau trong hội chứng cơ quả lê, mặc dù sự chèn ép do thoát vị đĩa đệm có thể tồn tại nhưng nó lại không phải là nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân của hội chứng này do sự thay đổi về giải phẫu trong mối tương quan giữa cơ và thần kinh, hoặc do sự quá tải hay căng giãn quá mức của vùng này.
Cơ quả lê (cơ tháp) và dây thần kinh hông to (thần kinh toạ)
Ngoài gây đau mông, đau lan xuống hông và chân thì hội chứng còn biểu hiện với đau có tính chất giảm khi đi bộ với bàn chân bên đau hướng ra ngoài. Ở tư thế này làm xoay khớp háng ra ngoài, giảm sự căng của cơ quả lê và do đó làm giảm nhẹ triệu chứng đau. Hội chứng cơ quả lê cũng được biết như “hội chứng ví dày” hay “đau thần kinh tọa do ví dày” bởi vì tình trạng này có thể bị gây ra bởi tư thế ngồi với một cái ví lớn ở dưới hông một thời gian dài.
Khó khăn trong chẩn đoán
Hội chứng cơ quả lê xảy ra khi thần kinh tọa bị chèn ép hay bị kẹp bởi cơ quả lê. Biểu hiện gồm đau thần kinh tọa (đau lan từ mông xuống đùi sau và cẳng chân) và khám lâm sàng tìm sự co cứng ở vùng khuyết thần kinh ngồi. Đau bị kích thích tăng lên khi hoạt động, ngồi lâu hoặc đi bộ. Chẩn đoán là một tình trạng lâm sàng rộng lớn và là một phương án chẩn đoán loại trừ. Các thăm khám lâm sàng là những cố gắng tạo sự căng của cơ quả lê bên bị kích thích và tạo nên sự chèn ép thần kinh ngồi, như các nghiệm pháp Freiberg, Pace, FABER, FAIR. Chẩn đoán loại trừ bao gồm thoát vị đĩa đệm, thoái hóa diện khớp, hẹp ống sống và căng cơ thắt lưng.
Một trong số các nguyên nhân gây hội chứng cơ quả lê.
Chẩn đoán thường khó khăn vì có rất ít nghiệm pháp đánh giá có giá trị cho tổn thương này, nhưng có hai nghiệm pháp có thể sử dụng để khảo sát tình trạng này: Một là điện sinh học FAIR-test – phương pháp này đo lường độ chễ của dẫn truyền thần kinh khi cơ quả lê bị căng và kích thích vào dây thần kinh tọa. Nghiệm pháp thứ hai là chụp cộng hưởng từ dây thần kinh (Magnetic Resonace Neurography) – một loại cộng hưởng từ nhưng giúp hiện rõ hiện tượng viêm và các dây thần kinh tương ứng. Một số tác giả thì cho rằng tiêu chuẩn quan trọng nhất là loại trừ đau dây thần kinh tọa do nguyên nhân chèn ép hoặc kích thích các rễ thần kinh trong ống sống, như thoát vị đĩa đệm.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, siêu âm và điện cơ hầu như hữu ích cho việc loại trừ những tình trạng khác. Tuy nhiên, cộng hưởng từ hình ảnh thần kinh là kỹ thuật chẩn đoán y học có thể cho thấy sự hiện diện của sự kích thích dây thần kinh tọa ở ngang vị trí khuyết mẻ hông to nơi mà dây thần kinh này đi qua bên dưới cơ quả lê. Nếu nghi ngờ có thể tiêm phong bế vùng mù dưới hướng dẫn của Xquang, siêu âm hoặc điện cơ.
Phòng ngừa đau thần kinh tọa do ví dày có khó?
Như trên đã nói, đây là “hội chứng ví dà̀y”, do vậy, rất đơn giản là các quý ông hãy bỏ những thứ thật cần thiết trong ví, để ví mỏng thôi và khi ngồi làm việc lâu, ngồi ôtô, xe máy đường dài thì nên bỏ ví ra khỏi túi quần sau là một trong những biện pháp phòng ngừa và chữa trị hiệu quả. Ngoài ra, nên thường xuyên đi bộ vừa tốt cho sức khoẻ nói chung vừa là phương pháp thể dục hiệu quả phòng bệnh đau thần kinh tọa nói riêng.
TS.BS. Nguyễn Hoàng Long
((Khoa Phẫu thuật cột sống, BV Việt Đức))