HCBVP (Sick office Syndrome) hoặc gọi là Hội chứng nhà kín SBS (Sick Building Syndrome) được đề cập từ năm 1960 và đến năm 1982, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xem đây là một tình trạng bệnh lý. HCBVP là thuật ngữ dùng trong các nghiên cứu về môi trường trong nhà kín, thông gió kém, dùng điều hòa nhiệt độ… Đây là hội chứng bệnh được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm, tuy vậy đáng quan tâm và lưu ý là bệnh có tính kinh niên, kéo dài cả đời nếu không biết cách chăm sóc thích hợp có thể đưa đến những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân
Ở nước Anh có ít nhất 40% số nhân viên văn phòng bị các triệu chứng liên quan ít nhiều đến HCBVP. Ở nước ta chưa có công bố nào về tỉ lệ mắc bệnh HCBVP nhưng nếu nghiên cứu, tổng kết có thể thấy loại bệnh này khó tránh khỏi. Bởi vì, con người làm việc nhiều giờ trong văn phòng đóng kín, máy lạnh lại thêm không gian sống không ngừng bị ô nhiễm, thiếu dưỡng khí, thông gió kém… Những phòng luôn luôn đóng kín, không cây xanh, không ánh nắng mặt trời, thiếu khí trời, thậm chí có cả chất độc hại thải ra từ mấy photocopy, máy in… là những nguyên nhân của hiện tượng thiếu oxy thường xuyên. Nếu thường xuyên dùng hoa tươi trong phòng làm việc sẽ là điều bất lợi cho sức khỏe, bởi vì hoa tươi không tạo ra oxy mà ngược lại chúng hấp thu một lượng oxy vốn đã khan hiếm trong văn phòng.
Các triệu chứng đau mỏi vai gáy, tê vùng vai, tê dọc theo cánh tay, cẳng tay do cổ liên tục ở tư thế bất động, máu kém lưu thông, dần dần sẽ dẫn đến thoái hóa khớp cột sống cổ
Trên thế giới, người ta đã nghiên cứu, tổng kết cho thấy rằng làm văn phòng khó tránh khỏi mắc một số căn bệnh bội nhiễm đường hô hấp như: viêm họng, mũi, viêm xoang, khàn tiếng, ho, nhức đầu, mệt mỏi, nổi mẩn ở da xảy ra trên những người làm việc trong văn phòng máy lạnh dài ngày. Hoặc làm công tác văn phòng có thể bị đau mắt, khô mắt do sử dụng máy tính quá lâu trong một ngày và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, từ đó làm giảm sức đề kháng của mắt, có thể dẫn đến những biến chứng như: viêm bờ mi, cương tụ kết mạc, gai máu…
Người ngồi trên 11 giờ/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi so với người ngồi dưới 4 giờ/ngày
Người làm việc văn phòng phải ngồi lâu một chỗ sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, điều này được các nghiên cứu tại Australia (từ năm 2006 – 2012) với 200.000 người trên 45 tuổi làm việc văn phòng cho thấy những người ngồi trên 11 giờ/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi so với người ngồi dưới 4 giờ/ngày hoặc tỉ lệ mắc bệnh tim ở những người làm việc tư thế ngồi cao gấp hai lần người làm việc ở tư thế đứng. Bên cạnh đó, các triệu chứng đau mỏi vai gáy, tê vùng vai, tê dọc theo cánh tay, cẳng tay do cổ liên tục ở tư thế bất động, máu kém lưu thông, dần dần sẽ dẫn đến thoái hóa khớp cột sống cổ. Đó là lý do vì sao những người làm văn phòng dễ mắc các bệnh như: hội chứng ống cổ tay (cánh tay đau nhức), thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến mắc hội chứng tiền đình (hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu) hoặc đau mỏi thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng, lâu dần dẫn đến đau thần kinh tọa gặp khá nhiều ở người làm việc văn phòng. Cán bộ văn phòng ngồi lâu, sử dụng máy lạnh không hợp lý, tiếp xúc với máy vi tính quá nhiều, áp lực công việc căng thẳng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm về thần kinh, tim mạch (tăng huyết áp do căng thẳng thần kinh), béo bụng (bụng phệ).
Về nguyên nhân vô sinh nam ở dân văn phòng được giải thích là do ngồi nhiều giờ liền với tư thế kẹp tinh hoàn làm cho nhiệt độ ở vùng tinh hoàn nóng lên ảnh hưởng xấu rất lớn đến khả năng sinh tinh và làm cho khả năng tồn tại của tinh trùng bị suy giảm.
Một loại bệnh gặp khá nhiều ở nước ta là bệnh trĩ. Ngày nay, bệnh trĩ đang có xu hướng trẻ hóa dần ở dân văn phòng bởi vì liên quan đến ngồi liền nhiều giờ và rất ít vận động. Càng ngồi lâu càng làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và nếu ở người đang mắc bệnh trĩ, ngồi lâu sẽ làm cho bệnh càng ngày càng nặng thêm. Người ta cũng đã ghiên cứu, tổng kết cho thấy rằng, nếu người làm công tác văn phòng nhịn đói không ăn sáng, căng thẳng thần kinh có thể dẫn đến mắc các bệnh về dạ dày và nếu kèm theo nghiện thuốc lá, cà phê càng làm cho bệnh dạ dày xuất hiện dễ dàng hơn hoặc tăng nặng nếu đang lâm bệnh này.
Nên làm gì để hạn chế?
Chúng ta đều biết, đặc trưng của người làm công việc văn phòng là ngồi, ít di chuyển, ít vận động, thường xuyên tiếp xúc với máy tính (thậm chí phải ngồi cả buổi hoặc cả ngày trước máy vi tính), đọc nhiều tài liệu, sách báo, thần kinh căng thẳng, thêm vào đó hút thuốc, uống trà đặc, cà phê (chủ yếu là nam giới), thường xuyên ngồi trong phòng máy lạnh. Vì vậy, dần dần xuất hiện các bệnh đặc trưng của HCBVP.
Nên làm vài động tác thể dục giúp khí huyết lưu thông
Để hạn chế HCBVP hãy tập thói quen thả lỏng cơ thể ít phút trong thời gian dài làm việc mỗi ngày, ngồi đúng cách và dần dần điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho đúng (ngồi với tư thế lưng thẳng, cân đối hai vai, không ngồi lún quá sâu vào lưng ghế). Tốt nhất là nên có một chiếc ghế mềm mại và thoải mái nhất để khi ngồi máu dễ lưu thông, tránh thiếu máu vùng mông, đùi, bẹn, bộ phận sinh dục, hậu môn. Sau một khoảng thời gian ngồi làm việc (khoảng vài giờ) nên nhắm mắt một lúc cho mắt được nghỉ ngơi không phải điều tiết và nên có giải lao để vươn vai, xoay người, cúi xuống, đứng lên và hít thở nhẹ nhàng nhằm làm cho khí huyết lưu thông. Nên làm động tác co, duỗi chân, cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay và nên từ từ xoay cổ (không vặn, bẻ) nhẹ nhàng vài ba phút hoặc lâu hơn càng tốt (khoảng 5 phút). Nên tranh thủ đi lên, xuống cầu thang bộ. Hàng ngày làm việc không nên nhịn tiểu, vì nhịn tiểu có thể đưa đến viêm đường tiết niệu, nhất là bàng quang.
Về chế độ dinh dưỡng cần ăn uống ăn uống hợp lý, đủ chất (bổ sung vitamin, khoáng chất), nên có nhiều rau, chất xơ trong các bữa ăn chính, ăn thêm trái cây và uống đủ lượng nước hàng ngày (khoảng 1,5 – 2,0 lít).
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG