LTS: Mỗi năm hè đến cũng là mùa du lịch sôi động ở các vùng biển. Đây là dịp trẻ em được nghỉ hè, hơn nữa thời tiết nắng nóng nên gia đình, công ty nào cũng muốn đi nghỉ mát vừa là tham quan khám phá danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức hải sản tươi ngon của các vùng biển. Tuy nhiên, trong hành trình đó cũng có những trường hợp dị ứng thức ăn, nhưng nguy hiểm hơn là bị ngộ độc hải sản. Gần đây nhất (ngày 14/5). Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp đã tiếp nhận 26 bệnh nhân trong đoàn du lịch 100 người của một công ty tại Hải Phòng. Được biết, chiều 12/5, khi đang tham gia tiệc trên bãi biển thì một số có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đầu óc choáng váng… nghi ngộ độc hải sản nên đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Ai dễ bị dị ứng và ngộ độc thức ăn?
Thức ăn hay gây dị ứng nhất là hải sản (tôm, cua, ốc, sò, hến, nhộng, ba ba, cá…) dân gian gọi chất tanh. Những người sẵn có cơ địa dị ứng (mẫn cảm không dung nạp) thì sẽ bị dị ứng. Thậm chí ngay những thức ăn thông thường như lạc, cà chua, hành tỏi… cũng có thể gây dị ứng. Ngoài ra yếu tố gây dị ứng trong thức ăn còn có thể là các chất màu, chất bảo quản, chất phụ gia trong quá trình chế biến.
Các loại hải sản thường rất giàu đạm và dễ gây dị ứng.
Biểu hiện dị ứng và ngộ độc thức ăn
Dị ứng hải sản là do các chất gây dị ứng chính là các protein có trong các loại hải sản. Các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Do đó mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người. Ngoài ra, các chất protein này còn không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và chất axít của dịch dạ dày. Tuy nhiên có rất nhiều người do cơ địa mà không thể ăn thủy hải sản một cách ngon lành mà hễ ăn lại có biểu hiện dị ứng mà người khác thì không. Bệnh có thể diễn tiến từ các thể nhẹ như chỉ nổi mề đay, nặng hơn là các tình trạng viêm phế quản dạng hen, trong đó tình trạng co thắt phế quản và phù thanh môn gây khó thở dữ dội có thể xảy ra. Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốc phản vệ (giống như sốc thuốc kháng sinh) và đưa đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp. Kèm theo có phù nề ở niêm mạc đường tiêu hóa nên có thể bệnh nhân có đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn…
Ngộ độc hải sản: Do có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc khác nhau như do hải sản chứa chất độc, do chế biến để lâu bị ôi thiu, hải sản chết, không tươi,… nên biểu hiện ngộ độc cũng rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở, thậm chí tử vong.
Làm thế nào để không bị ngộ độc hải sản?
Có rất nhiều người do cơ địa mà không thể ăn thủy hải sản một cách ngon lành, vậy làm thế nào để không bị ngộ độc khi ăn hải sản?
Thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ: Đừng quá háo hức thưởng thức những loại hải sản chưa từng ăn qua bao giờ vì một số loại có hàm lượng độc tố rất cao. Bạn nên chắc chắn rằng loại hải sản đó đã được cư dân địa phương ăn phổ biến nếu như bạn đang du lịch đến vùng đất mới.
Không ăn hải sản đã chế biến từ lâu: Hải sản nói chung là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, rất giàu chất đạm (protein). Khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường, chúng nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh. Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine) gây ngộ độc (đỏ da, nóng bừng, trống ngực, đau đầu, khó thở…). Các hải sản đông lạnh có thể an toàn về mặt vi khuẩn nếu được bảo quản đông lạnh liên tục từ khi còn sống tới khi bạn mua và chưa quá hạn sử dụng.
Tránh các loại hải sản có thể chứa chất độc: Có loại hải sản luôn luôn có chất độc, có loại thường có hoặc thỉnh thoảng mới có chất độc. Tuyệt đối không được ăn các loại hải sản có độc như: cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển,… Bạn có thể tham khảo các nguồn thông tin khác và hỏi thêm người dân địa phương. Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường.
Không ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ: Trong hải sản có chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, có khả năng chịu nhiệt cao, ít nhất phải hơn 80 độ C. Ngoài ra, nước chưa đun sôi có thể chứa vi khuẩn cũng gây ô nhiễm ngược. Nói chung, khi chế biến hải sản cần đun sôi nước khoảng 4-5 phút để khử trùng đầy đủ.
Lựa chọn đồ tươi sống: Các loại hải sản như tôm, cua, sò, hến chết có tốc độ ô nhiễm và xuống cấp protein cao hơn rất nhiều so với phần thịt, thậm chí có nguy cơ sản xuất độc tố đe dọa sức khỏe con người, khi ăn vào càng dễ bị ngộ độc. Vì vậy, khi mua hải sản chế biến cần lựa chọn kỹ những con còn tươi sống.
Dù là dị ứng hay ngộ độc thức ăn nói chung và hải sản nói riêng đều có thể nguy hiểm tính mạng nếu không xử trí đúng. Các loại thức ăn khác nhau thường gây ra tình trạng dị ứng cho từng lứa tuổi khác nhau. Người ta thấy rằng, sữa, trứng gà và đậu phộng thường gây ra dị ứng cho trẻ em. Còn nghêu sò, tôm cua, cá biển, đậu phộng… hay gây ra dị ứng cho người lớn. Phần lớn các trường hợp dị ứng với thức ăn đều xảy ra trong lần ăn đầu tiên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị. Vì vậy, khi có biểu hiện dị ứng hay ngộ độ̣c như đã nói trên, cần phải đưa đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
BS. Trần Quang Nhật