Khoảng 90% số người sử dụng có nguy cơ mắc bệnh
BS. Nguyễn Thị Thanh Phượng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: ngày nay, môi trường làm việc hiện đại với các phương tiện làm việc đa phần đều được điện tử hóa, cùng với cường độ làm việc cao trong không gian có độ ẩm thấp do máy điều hòa đã khiến cho khô mắt ngày càng trở thành vấn đề đáng được quan tâm. Đồng thời, đây là yếu tố chính trong hội chứng mắt do sử dụng máy vi tính. Khô mắt không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn làm giảm chức năng thị giác khi tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.
Theo BS. Thanh Phượng, màn hình máy vi tính tạo hình ảnh từ vô vàn những điểm ảnh gọi là “pixels”. Vì vậy, khi nhìn hình ảnh trên màn hình máy vi tính, mắt rất khó định thị một cách nhanh chóng. Điều này làm cho các cơ của mắt phải hoạt động liên tục liên tục để mắt có thể định thị và tái định thị khi nhìn màn hình. Việc hoạt động mắt quá mức như thế này theo thời gian sẽ gây ra tình trạng mỏi mắt.
Khô mắt do rất nhiều yếu tố tạo thành trong đó có 3 yếu tố chính gây nên tình trạng này. Đó là sự giảm tốc độ chớp mắt, sự chớp mắt không hoàn toàn và sự gia tăng diện tích tiếp xúc giác mạc khi sử dụng máy vi tính.
Thông thường trong khoảng 1 phút, mắt người sẽ chớp từ 12 – 18 lần, mỗi lần chớp nước mắt được tiết ra phủ lên toàn bộ mắt. Khi sử dụng máy tính do quá chăm chú nên số lần chớp mắt ít hơn bình thường (chỉ bằng khoảng 2/3 số lần so với bình thường). Dẫn đến giảm số lượng và chất lượng nước mắt phủ trên giác mạc. Ánh sáng phản xạ từ màn hình, làm mắt luôn luôn co đồng tử để giảm bớt ánh sáng vào mắt. Vị trí đặt màn hình không đúng, quá gần, cao hơn tầm mắt làm phải mở mắt lớn hơn và có xu hướng nhướng lên trên làm cho mắt bị khô.
Sử dụng thêm nước mắt nhân tạo
Chú tâm đến phản xạ chớp mắt
Theo khuyến cáo của bác sĩ, những người làm việc nhiều trên máy tính nên uống nhiều nước, tránh ngồi hướng gió của máy điều hòa thổi thẳng vào mặt. Chú tâm đến phản xạ chớp mắt. Sau 45 – 60 phút làm việc trên máy vi tính nghỉ 15 phút, nhìn xa, hoặc nhắm mắt nhẹ. Sử dụng thêm nước mắt nhân tạo. Không nên mang kính tiếp xúc khi làm việc với máy vi tính hoặc màn hình TV. Sắp đặt vị trí màn hình sao cho cửa sổ ở về một bên. Không để ánh nắng mặt trời không chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt. Tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng hoặc sử dụng đèn bàn có chụp. Đặt đèn tại vị trí sao cho ánh đèn không phản chiếu lên màn hình. Có thể đặt thêm kính lọc cho màn hình để lọc bớt ánh sáng. Màn hình nên được đặt cách mắt 50 – 60cm, tâm của màn hình đặt thấp hơn tầm mắt từ 10 – 20cm vì mắt của chúng ta chỉ làm việc thoải mái khi chúng ta liếc nhẹ xuống.
Điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối, sau đó ta sẽ chỉnh đến độ sáng và độ tương phản của màn hình cho đến khi mắt ta cảm thấy dễ chịu. Cỡ chữ lý tưởng là lớn gấp 3 lần cỡ chữ nhỏ nhất mà ta có thể đọc được. Lưu ý, muốn chỉnh được cỡ chữ này ta chỉ cần đứng xa máy tính một khoảng cách gấp 3 lần khoảng cách thông thường sử dụng máy và chỉnh cỡ chữ sao cho nhỏ nhất mà ta vẫn có thể đọc được. Chọn chữ đen trên nền trắng. Nếu có tật khúc xạ, đeo kính khi sử dụng máy vi tính vì các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hay cận thị nếu không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đúng sẽ dẫn đến nhức mỏi mắt nếu làm việc lâu trên màn hình.Kính đeo mắt loại có chống chói. Sắp xếp chỗ ngồi làm việc hợp để màn hình thẳng ngay trước mặt, không để lệch về một bên. Tư thế ngồi: thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo các bệnh nhân bị đau mắt nên tiêu thụ thức ăn giàu omega-3 để giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt, cũng như làm dịu mắt khi bị đau.
NGUYỄN NA