Ban đầu, tại khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi 2 tuổi quê ở Bình Phước cũng được các bác sĩ chẩn đoán viêm thanh khí phế quản. Tuy nhiên sau 2 ngày điều trị kháng sinh mạnh, sức khỏe bé vẫn không cải thiện. Qua nội soi, bác sĩ mới phát hiện hai đốt xương cá trong khí quản cậu bé.
Gia đình cho biết họ không nghĩ đến việc con bị hóc xương cá do bé không diễn tả được, lúc bé mắc xương họ cũng không hay biết. “Thấy bé ho kéo dài, kèm theo sốt, thở khò khè, bác sĩ ở quê nói cháu bị suyễn nên gia đình cứ mua thuốc cho uống”, mẹ bệnh nhi nói.
Theo mô tả của các bác sĩ, hai đốt xương bị kẹt ở phần trên khí quản đã khiến cơ quan này bị viêm. Đây cũng là nguyên nhân bé bị ho và làm sốt.
Một tuần sau khi được “giải phóng” hai đốt xương cá, hiện sức khỏe của bé đã ổn định, các cơn ho và hiện tượng khó thở cũng không còn.
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Loan – Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, hóc dị vật đường thở thường gặp các bé từ 1 đến 3 tuổi, do ở độ tuổi này bé đã tự cầm nắm đồ vật và răng phát triển nên rất thích nhai, cắn đồ vật. Một số trường hợp khác, bé cũng có thể bị hóc do sặc lúc ăn.
Hóc dị vật lớn có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ trong tức thì song lại dễ phát hiện để cấp cứu. Ngược lại, những trường hợp bé bị hóc các dị vật nhỏ tuy không nguy hiểm cấp tính nhưng lại dễ bị hiểu nhầm đến các bệnh khác, dẫn đến điều trị sai.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyên phụ huynh nếu thấy trẻ có triệu chứng so kéo dài kèm theo sốt mà uống thuốc không khỏi thì nên đến bệnh viện có uy tín để được chẩn đoán.
Thảo Nguyên