99% bệnh nhân hen xem nhẹ việc điều trị

Thông tin vừa được Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM báo cáo sáng 10/5, thông qua kết quả khảo sát của Tổ chức chuyên nghiên cứu thực trạng quản lý hen tại châu Á Thái Bình Dương GINA (Global Initiative For Asthma).

“Không đến khám, khám một lần rồi bỏ hoặc dùng thuốc không đúng cách là những trường hợp thường thấy nhất dẫn đến tỷ lệ tầm soát bệnh hen chỉ đạt khoảng 1%”, Giáo sư Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội hen suyễn và miễn dịch lâm sàng cho biết.

Theo ông An, tại Việt Nam có khoảng 8 triệu người mắc bệnh hen. Hậu quả của việc tầm soát kém dẫn đến 25% bệnh nhân hen phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng lên cơn cấp tính; 42% bệnh nhân phải nghỉ học và 29% người lao động phải nghỉ làm, trong đó giáo viên chiếm một tỷ lệ lớn.

dsdsds

Khám ngay khi nghi ngờ mắc hen sẽ giúp bệnh nhân mau lành bệnh. Ảnh: Thiên Chương.

Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM cho biết, việc chữa trị hen cần nhất là ý thức của bệnh nhân. Chỉ cần đến khám lần đầu, sau đó 2 tuần tái khám, còn lại, cứ 3 tháng vào viện một lần, bệnh nhân có thể chữa trị khỏi hẳn bệnh hen. Thậm chí có những ca, chỉ điều trị trong một tháng đã không còn có biểu hiện bệnh. Việc chữa trị sớm và đúng cách còn giảm chi phí điều trị 1 nửa so với để bệnh đã trở thành mạn tính.

Cũng theo Tiến sĩ Lan, việc tự chữa bệnh hen bằng thuốc cắt cơn hen tức thời hoặc uống thuốc không qua chỉ định của bác sĩ là rất nguy hại. “Nhiều người do thiếu hiểu biết, lúc nào cũng thủ sẵn thuốc cắt cơn, cứ lên cơn hen là hít, lâu ngày dẫn đến việc lờn thuốc rất khó cứu chữa. Loại thuốc này có giá rẻ, cắt cơn hiệu quả nhưng nếu quá lạm dụng, ngoài việc lờn thuốc, người bệnh có thể bị ảnh hưởng thần kinh”, bà Lan nói.

Theo phác đồ điều trị đúng của các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc dự phòng lâu dài corticoid dạng hít hoặc thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, giá cao hơn dạng thuốc cắt cơn nhưng lại an toàn.

Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Bệnh được chia thành nhiều mức độ khác nhau (từ bậc 1 đến bậc 4). Ở mỗi mức độ bệnh, bệnh nhân đều có thể xuất hiện cơn hen cấp tính nặng đe dọa tử vong.

Nguyên nhân chủ yếu bị hen là do ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm không khí do khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú vật, vi khuẩn, virus, thực phẩm, nấm mốc, côn trùng, mùi than tổ ong, mùi vị thức ăn…

Tiến sĩ Lan khuyên, khi thấy triệu chứng khó thở, thở nông, nặng ngực và kèm theo là những cơn ho khan hoặc chỉ có một lượng đờm nhỏ, người bệnh hay mệt mỏi, chán ăn, không muốn làm việc nặng thì nên đi khám vì đó là dấu hiệu của bệnh hen.

Ngoài ra, khi bệnh nhân thấy nói khó, tím tái môi, vã mồ hôi; cánh mũi phập phồng liên hồi; co kéo xung quanh những xương sườn và cổ khi thở; đi lại khó khăn; thì cần ngay lập tức đến viện vì đây là dấu hiệu lên cơn hen cấp tính nguy hiểm.

Thiên Chương

Rate this post