Ca dị ứng kinh hoàng vì… tự làm bác sĩ

Thời gian gần đây, liên tiếp các ca dị ứng nặng do người dân tự ý dùng thuốc, điển hình như trường hợp bệnh nhân Kh. ở Yên Sở, Hà Nội, mặt bị phồng rộp, đen thui như tảng mê cháy… đã rung hồi chuông báo động về hiện tượng này. SK&ĐS xin giới thiệu bài viết sau với những cảnh báo của thầy thuốc, giúp bạn đọc hiểu rõ thêm để biết cách phòng tránh.

“Khi cô ấy mới chuyển đến, chúng tôi nhìn mà phát sợ. Mặt phồng rộp, đen thui trông như tảng mê cháy… Mỗi lần đổ nước cháo vào miệng, cô ấy nuốt mà cả người run bần bật vì đau. Nghe nói là thực quản cô ấy loét hết cả…” – một bệnh nhân nữ cùng phòng với chị Kh. kể lại. Đó là một trong những ca dị ứng thuốc mới đây được điều trị tại Khoa Da liễu – BV 198 Bộ Công an. Người bệnh sau khi qua khỏi đoạn trường này mới thú nhận, thuốc gây ra dị ứng là chị tự mua.

Nam thanh niên bị hội chứng Lyell do dị ứng thuốc.

Rước vạ vì mua thuốc theo đơn của… hàng xóm

Thời điểm bác sĩ giới thiệu chị Kh. với phóng viên, chị đã có thể ngồi dậy và nói chuyện mặc dù miệng vẫn còn khó mở do vết thương đóng vảy chưa bong hết. Cả mặt, cổ và ngực chị loang lổ đỏ, dấu vết còn lại của tổn thương hoại tử bì diện rộng do dị ứng thuốc. ThS.BS. Đỗ Xuân Khoát, Trưởng khoa Dị ứng, BV 198 nói vui: “Hôm nay  xinh hơn nhiều rồi đấy, chứ mấy hôm trước thì chồng vào thăm cũng chạy mất dép”. Chị Nguyễn Thị Kh. (Yên Sở, Hà Nội), 51 tuổi kể lại, chị vốn hay bị nhức đầu, chóng mặt, có đợt tự nhiên tay chân cứ co quắp lại. Cạnh nhà chị có một bác bị động kinh. Nghe bác ấy kể lể bệnh tình, chị Kh. nghĩ: Hay là mình cũng bị giống bác ấy nhỉ! “Ôi, tôi đi khám bác sĩ cho thuốc uống đỡ lắm!” – Bác hàng xóm chia sẻ với chị cái đơn thuốc và thế là chị Kh. mượn luôn. Thuốc mua về chị uống được gần 2 tuần. Trước khi vào viện 4 ngày, chị còn tự mua thuốc đau dạ dày và một số thuốc bổ về uống. Sau đó, chị Kh. thấy bụng cứ sôi ùng ục, mắt ngứa, ban nổi từ mắt lan ra đầy mặt, cổ, rồi sốt cao. Chị Kh. vào BV 198 khám và được nhập viện với chẩn đoán ban đầu là sốt phát ban, nghi sởi. Nhưng phác đồ điều trị sởi với chị Kh. không hiệu quả, 2-3 ngày sau khi vào viện, các triệu chứng càng rầm rộ với các mảng da phồng rộp, tím đỏ, miệng loét, mặt sưng húp. Hội chẩn bệnh viện, các thầy thuốc nhận định, bệnh nhân Nguyễn Thị Kh. mắc hội chứng Lyell, một bệnh cảnh rất nặng.

BS. Đỗ Xuân Khoát cho biết: Hội chứng Lyell là tập hợp những triệu chứng trên da và nội tạng rất nặng. Bệnh thường bắt đầu ở niêm mạc, nhất là niêm mạc mắt, mũi, miệng. Thương tổn trên da bắt đầu là những hồng ban, bọng nước. Bệnh tiến triển rất nhanh với những đám da bị lột trợt “như thể ta bóc vỏ khoai luộc kỹ vậy” – BS. Khoát vừa miêu tả vừa trầm ngâm lắc đầu, dường như hình ảnh của người bệnh khi đó khiến ông vô cùng ái ngại. Hội chứng Lyell tiến triển lan tỏa khắp người, không chỉ các mảng da bị phồng rộp, lột trợt mà thực quản và đường tiêu hóa của người bệnh cũng bị viêm loét, miệng, mắt sưng húp. Bạn cùng phòng bệnh với chị Kh. kể lại mà vẫn còn rùng mình: “Cô ấy không mở được mắt ra. Cả tuần nằm trên giường, chỉ húp nước cơm mà như bị tra tấn. Lại còn mủ chảy ra ở mắt, hậu môn, cửa mình nữa chứ!”. Theo BS. Khoát, hội chứng Lyell có tỷ lệ tử vong cao, có thể là 100% nếu nhập viện muộn và điều trị không đúng. Tuy nhiên, may mắn là chị Kh. đã qua khỏi sau hơn 1 tuần điều trị tích cực tại Khoa Da liễu, BV 198 Bộ Công an.

BS. Khoát và bệnh nhân sau điều trị.

Cảnh báo từ thầy thuốc

Qua hỏi han người bệnh và người nhà bệnh nhân, BS. Khoát đã loại dần các yếu tố để có thể xác định “thủ phạm” gây ra tình trạng dị ứng nặng như vậy ở chị Kh. là thuốc chữa động kinh tegretol mà chị mua theo đơn thuốc của người hàng xóm. Không chỉ có chị Kh. là nạn nhân của  thuốc chống động kinh “của người khác” mà trong tháng 3, tại Khoa Da liễu, BV 198  cũng đã điều trị cho một nam thanh niên là thợ sơn ôtô, nhập viện cũng với triệu chứng giống như sốt phát ban nhưng rồi phát triển thành hội chứng Lyell. Người nhà cậu này kể, cậu rất mê game, đến độ chơi thâu đêm. Sau một thời gian dài thiếu ngủ, cậu có dấu hiệu co giật, lên cơn động kinh. Thuốc điều trị động kinh của cậu là carbamazepine (thuốc gốc cùng tên với thuốc tegretol). Sau khi uống hơn 2 tuần thì bệnh nhân bắt đầu có những phản ứng phụ như mệt mỏi,  ngây ngấy sốt. Cả bệnh nhân lẫn người nhà đều nghĩ là bệnh xoàng, cho tới khi các phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn mới đi khám bác sĩ. Nhập viện ban đầu cũng do nghi sởi nhưng bệnh nhân nhanh chóng được xác định là hội chứng Lyell. Ca này, theo BS. Khoát, còn nặng hơn chị Kh, ngoài các triệu chứng sốt cao, nổi ban, bọng nước, trợt da như bỏng, loét thực quản, ống tiêu hóa…, người bệnh còn tiến triển viêm gan, thận với men gan tăng cao, tăng creatinine. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ dị ứng thuốc và đổi thuốc chống động kinh khác ít tác dụng phụ hơn. May mắn là người thanh niên này cũng đã hồi phục sức khỏe sau 2 tuần điều trị.

Theo ThS.BS. Đỗ Xuân Khoát, từ 2 trường hợp nói trên cần thiết phải cảnh báo cho cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân về phản ứng phụ nghiêm trọng của thuốc tegretol. Tuy đây là thuốc chống co giật, động kinh rất hiệu quả nhưng tác dụng phụ lại thường xảy ra chậm và nghiêm trọng. Trong những trường hợp nhất định phải dùng tegretol, người bệnh cần theo dõi phản ứng của cơ thể và nhanh chóng xin tư vấn bác sĩ điều trị để được điều chỉnh kịp thời.

Một cảnh báo cấp thiết khác là người dân nếu có các biểu hiện sức khỏe bất thường cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Không tự “làm bác sĩ”, tự mua thuốc về uống, nhất là dùng đơn thuốc của người khác. “Người mình hay có kiểu mách nhau, theo nhau mua thuốc. Tôi đây nhiều lần cũng vậy… Nhưng giờ nhìn cô Kh. này mà hãi quá! Khiếp đến già, chả dám tự mua thuốc nữa đâu!” – Lời của bác Y. – một bệnh nhân cùng phòng với chị Kh. có thể coi là lời kết cho bài viết này. Mong rằng kinh nghiệm của họ sẽ trở thành sự thận trọng của nhiều người, không cứ phải trải qua “nghiệm mà kinh” mới rút ra bài học cho mình.

Lê Minh

Rate this post