Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu thành công bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu, suy tuần hoàn và suy thận cấp. Theo các bác sĩ, nếu không được hỗ trợ chạy tim phổi nhân tạo (ECMO), bệnh nhân không thể được cứu sống.
Thoát chết nhờ kỹ thuật hiện đại và sức trẻ
Bệnh nhân là ĐHN, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Ngày 12/2/2017, bệnh nhân lên cơn tăng huyết áp, mệt mỏi, ban đỏ vùng mặt và đau khớp. Bệnh nhân đi khám và điều trị tại một bệnh viện với chẩn đoán Lupus ban đỏ. Sau 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện thêm sốt cao, khó thở tăng dần, không đáp ứng với thở ôxy và phải đặt nội khí quản thở máy, lọc máu liên tục, được dùng kháng sinh meropenem, moxifloxacin. Tuy nhiên, sau 3 ngày tình hình không cải thiện nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.
Khi được chuyển đến BV Bạch Mai (ngày 25/2/2017), bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp rất nặng (ôxy chỉ có 70% mặc dù được thở ôxy tối đa), hai phổi mờ toàn bộ, suy đa tạng như rối loạn đông máu nặng, suy tuần hoàn và suy thận cấp… Ngay lập tức, bệnh nhân được hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO), bên cạnh đó áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực khác cho bệnh nhân suy đa tạng.
Bệnh nhân N. được các bác sĩ khám ở giai đoạn hồi phục.
Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân có cải thiện hơn, sau 5 ngày cai được hệ thống ECMO, đến ngày thứ 9 sau khi vào Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân rút được nội khí quản.
Nói về ca bệnh này, BS. Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết: Để cứu được bệnh nhân là công sức của cả một tập thể, gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý… Trước khi bệnh nhân chuyển đến, các bác sĩ đã được thông báo trước về trường hợp này, đã hội chẩn với nhau qua điện thoại, xác định đây là trường hợp suy hô hấp cấp tuy rất nặng nhưng trên một cơ thể còn trẻ (sức trẻ là một hy vọng để hồi phục). Tuy vậy, trước tình trạng bệnh nhân hôn mê, huyết áp không đo được, chảy máu mũi và miệng, tiểu cầu chỉ còn 30 ngàn (người bình thường là 150 ngàn), bụng trướng căng, nhiều dịch trong ổ bụng…, các bác sĩ nhận định: cứu được bệnh nhân không đơn giản, bởi tình trạng suy hô hấp và suy đa tạng rất nặng; chỉ có chạy tim phổi nhân tạo mới có cơ may cứu.
Do bệnh nhân hôn mê nên các bác sĩ lại phải xác định có xuất huyết não không (nếu xuất huyết não thì sẽ có rất nhiều hệ lụy xảy ra như phổi có thể hồi phục nhưng lại tàn tật suốt đời). Thật may, bệnh nhân không xuất huyết não… Đến ngày 10/3, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, bệnh nhân tự thở và có thể trò chuyện được tuy còn hơi mệt. Ngày 23/3, bệnh nhân đã bình phục đi lại bình thường và được xuất viện để chuyển sang Khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng điều trị tiếp Lupus ban đỏ.
Đề phòng suy hô hấp mùa cúm
BS. Thạch cho biết, nếu không được chạy tim phổi nhân tạo, 75-100% trường hợp như bệnh nhân N. sẽ tử vong. Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai đã điều trị cho nhiều bệnh nhân viêm phổi, nhưng viêm phổi nặng kèm suy đa tạng như bệnh nhân N. thì không nhiều. Thật vui là từ ở một tình trạng gần như “vô phương cứu chữa”, bệnh nhân đã hồi phục, có thể trở về cuộc sống bình thường.
Bệnh nhân N. do mắc Lupus ban đỏ nên bị suy giảm miễn dịch. Chờ cho bệnh nhân bình phục hoàn toàn, các bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân sang Khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng để điều trị, kiểm soát bệnh Lupus ban đỏ.
BS. Thạch cảnh báo: Đang là mùa cúm nên mọi người cần cảnh giác. Có nhiều loại virut, vi khuẩn sẽ tấn công cơ thể người; có người bệnh sẽ khỏi nhanh, nhưng có người bệnh tiến triển thành nặng, gây suy hô hấp, rất nguy hiểm. Như trường hợp bệnh nhân N., phim chụp phổi trắng xóa (thể hiện không có không khí vào phổi để trao đổi ôxy), bệnh nhân như đang bị ngạt thở, suy tạng dần… Khi bị cúm hay bị viêm phổi, bệnh nhân cần chú ý điều trị, vào viện ngay nếu thấy khó thở tăng bởi cơ thể bị thiếu ôxy sẽ như người bị ngạt thở, dần dần tiến triển thành suy đa tạng.
Nguyễn Lan