Triglycerid là chất béo phổ biến nhất trong cơ thể. Nó rất quan trọng với sức khỏe, nhưng nếu chỉ số này cao hơn bình thường lại là nguy cơ dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm. Hầu hết các loại thực phẩm mà con người ăn, cho dù từ nguồn động vật hoặc thực vật, có thể có tác động vào mức độ triglycerid trong máu.
Khi một người nạp nhiều calo hơn so với nhu cầu cơ thể của họ, cơ thể lưu trữ những lượng calo dưới dạng chất béo triglycerid. Rồi sau đó, khi cơ thể cần nhiều năng lượng hơn, nó tiêu thụ các chất béo này. Ở một mức độ nào đó, triglycerid có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, nhưng ở mức độ cao triglycerides trong cơ thể có thể dẫn đến các mảng bám trên thành mạch, gây xơ vữa động mạch, có thể dẫn tới đột quỵ, cơn đau tim. Mức độ triglycerid cao còn làm bệnh đái tháo đường trở nên khó điều trị, bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh tụy… Điều quan trọng là phải hiểu được mức độ triglycerid để điều chỉnh chúng. Chỉ số xét nghiệm máu triglycerid bình thường khi < 1,7mmol/L, giới hạn cao là khoảng 1,7 - 2,25mmol/L, cao là từ 2,26 - 5,64mmol/L, rất cao khi > 5,65mmol/L.
Nguyên nhân gây tăng chỉ số triglycerid
Có nhiều cách để làm giảm nồng độ triglycerid một cách an toàn, trước hết cần tìm nguyên nhân gây nồng độ triglycerid cao. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây chỉ số triglycerid cao liên quan đến chế độ ăn uống và chuyển hóa, bao gồm: gene (mang tính chất gia đình, di truyền), tình trạng béo phì, chế độ ăn uống nhiều calo (đồ xào, chiên nhiều dầu mỡ), uống nhiều rượu bia, mắc bệnh đái tháo đường (chủ yếu týp 2), bệnh thận, đang mang thai, đang uống một số thuốc như nội tiết tố estrogen, corticosteroid, thuốc kháng virut…
Đạp xe hàng ngày là một cách để giảm triglycerid trong máu hiệu quả.
Nếu một người thường xuyên nạp nhiều calo hơn so với mức cơ thể cần sẽ gây ra sự dư thừa triglycerid trong cơ thể. Một cách để làm giảm nồng độ triglycerid trong máu là giảm tổng thể lượng calo ăn vào mỗi ngày.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), có bằng chứng cho thấy, cứ giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm tới 20% nồng độ triglycerid trong máu. Do đó, sự giảm triglycerid liên quan trực tiếp với việc giảm cân.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Để giảm nồng độ triglycerid, một cá nhân phải xem xét lại thói quen ăn uống của mình và áp dụng một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng. Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu, các loại hạt là một cách hiệu quả để tăng chất dinh dưỡng, đồng thời giảm lượng calo. Một chế độ ăn tốt cho tim và bổ máu bao gồm việc giảm lượng natri (muối), ngũ cốc tinh chế, đường, những thực phẩm giàu chất béo rắn (chất béo ở thể rắn trong nhiệt độ phòng), thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa như sữa nguyên kem, thịt đỏ, trứng và một số loại dầu như dừa, dầu cọ. Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa làm tăng nồng độ triglycerid, vì vậy nên ít tiêu thụ loại thực phẩm chứa chất béo này. Thay vì thế, hãy sử dụng omega-3 có trong dầu gan cá tuyết, cá nước lạnh như cá hồi và cá mòi và hạt lanh là cách để thêm chất béo không bão hòa. Do đó, chế độ ăn nhiều cá là có lợi cho sức khỏe. Nếu ăn thịt, hãy lựa chọn thịt nạc, thịt gia cầm không da, sữa không béo hoặc ít béo và hải sản cũng là những lựa chọn tốt.
Người Việt Nam thường có chế độ ăn nhiều tinh bột. Nếu chỉ số triglycerid của bạn cao, cần hạn chế lượng tinh bột trong bữa ăn.
Mỗi người cần hạn chế tổng lượng carbohydrat xuống dưới 60% mức calo khuyến cáo hằng ngày. Chế độ ăn uống với một lượng carbohydrat trên 60% có liên quan với sự tăng nồng độ triglycerid. Carbohydrat có từ việc tiêu thụ thức ăn tinh bột, đường, chất xơ.
Thức uống cũng có một đóng góp lớn đến lượng carbohydrat tổng thể. Nước trái cây, nước ngọt và đồ uống có đường khác là một số trong những nguồn chính bổ sung đường trong chế độ ăn.
Rượu cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ triglycerid ở một số người. Trong những người có mức triglycerid cao, tránh uống rượu là một bước hữu ích để làm giảm triglycerid.
Lưu ý, nếu bạn có chỉ số triglycerid, cần xin tư vấn của chuyên gia khi thực hiện bất kỳ thay đổi chế độ ăn uống và để chắc chắn không có biến chứng với bất kỳ loại thuốc mà bạn đang dùng.
Tập thể dục
Hoạt động thể chất cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm lượng triglycerid máu. Khi cơ thể hoạt động, calo bị đốt cháy cũng như nhiều triglycerid từ bên trong cơ thể đang được sử dụng, bất kỳ hoạt động thể chất nào đốt cháy năng lượng cơ thể cũng đều có lợi nhưng mức độ khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Mức độ vừa phải là ít nhất 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, 5 ngày/tuần.
Nguyễn Thị Thu Hà
(Theo MNT)