Các cách bạn sống, những gì bạn ăn uống và cách bạn đối xử với cơ thể có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn. Dưới đây là 5 điều bạn có thể làm mỗi ngày để bảo vệ trí nhớ.
Quản lý căng thẳng
Cuộc sống thường ngày ai cũng có thể gặp phải những áp lực như thời hạn phải hoàn thành công việc, những trở ngại lớn nhỏ tại công sở cũng như gia đình… Những điều này chắc chắn có thể làm bạn bối rối và ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ. Nhưng vấn đề lớn hơn là một cảm giác liên tục của sự lo lắng và chính điều này có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ. Vì vậy, bạn cần có những biện pháp để ngăn chặn, hạn chế sự căng thẳng của bạn, bảo vệ bộ nhớ của bạn. Hãy học cách thở sâu, thiền, yoga… hay bất cứ cách thức nào có thể giúp bạn “nhìn sâu” vào tâm trí của mình, lắng lại và giải tỏa nhanh chóng các lo lắng, căng thẳng.
Giấc ngủ ngon
Những người ngủ không ngon giấc vào ban đêm có xu hướng hay quên hơn những người ngủ ngon. Một giấc ngủ ngon là điều cần thiết để củng cố ký ức. Biểu hiện phổ biến nhất của một giấc ngủ kém là khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ. Thật không may, nhiều loại thuốc dùng để điều trị chứng mất ngủ cũng có thể làm giảm trí nhớ và chức năng não nói chung. Đó là lý do lựa chọn cuối cùng để cải thiện giấc ngủ của bạn là thuốc, sau khi bạn đã thử mọi biện pháp khác mà thất bại. Nếu không thể không dùng thuốc, bạn nên sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất cần thiết để có được giấc ngủ của bạn trở lại và cần có sự tư vấn cũng như theo dõi của thầy thuốc.
Bỏ thuốc lá
Chắc chắn việc bỏ thuốc lá đối với những người đã trót nghiện không dễ dàng gì. Nhưng nếu kết quả nghiên cứu sau đây có thể khiến bạn có thêm động lực thì hãy bắt tay ngay vào cai thuốc. Nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy hút thuốc có ảnh hưởng lớn tới tình trạng mất trí nhớ liên quan đến tuổi và các vấn đề bộ nhớ khác. Những người hút thuốc nhiều hơn 2 gói thuốc lá mỗi ngày ở tuổi trung niên có nhiều hơn gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh mất trí nhớ ở tuổi già so với người không hút thuốc. Việc nghiện thuốc lá còn nguy hại ở chỗ, hậu quả của điều này khá dai dẳng, bằng chứng là những người bỏ thuốc lá ở tuổi trung niên và những người hút thuốc ít hơn một nửa gói 1 ngày vẫn có nguy cơ tương tự của chứng mất trí như những người vẫn đang duy trì thói quen hút thuốc. Vì vậy, tốt nhất là đừng chạm tới thuốc lá.
Kiềm chế với đồ uống có cồn
Uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Nghiên cứu cho thấy, những người nghiện rượu có khó khăn khi thực hiện những ghi nhớ ngắn hạn. Một loại mất trí nhớ liên quan đến sử dụng rượu được gọi là hội chứng Korsakoff. Người thường xuyên dùng đồ uống có cồn dễ thiếu vitamin B1 lâu dài, kết hợp với các hiệu ứng độc hại của rượu đối với não, có thể gây tổn hại trực tiếp đến vùng đồi thị trong não bộ, gây teo não, mất trí nhớ. Biểu hiện của hội chứng mất trí nhớ do rượu thường là người bệnh khó có khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới hay xuất hiện những “lỗ hổng” trong trí nhớ, thậm trí nhầm lẫn hoặc có những ảo tưởng, sự kiện không có thật. Vì vậy, nếu muốn có một trí óc minh mẫn sáng suốt, hẳn là bạn nên tránh xa loại đồ uống này.
Bảo vệ bộ não khỏi tổn thương
Chấn thương là nguyên nhân chính gây mất trí nhớ và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mất trí nhớ. Khó nói được trong cuộc sống không có những rủi ro, nhưng bạn hãy luôn thận trọng bảo vệ não bộ của mình. Luôn luôn sử dụng thiết bị thích hợp trong các hoạt động tốc độ cao và các môn thể thao. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, cưỡi trên một chiếc xe máy, trong hoạt động trượt băng, trượt tuyết, đeo dây an toàn khi ngồi trong xe có động cơ… Thống kê cho thấy, chấn thương sọ não có tỷ lệ khá cao trong các tai nạn giao thông.
Đỗ Tuấn
((Theo Harvart.edu))