Xử trí một số trường hợp đau lưng thường gặp

Đau lưng là căn bệnh gặp phổ biến ở nhiều người. Lưng là một cấu trúc phức tạp, cấu thành bởi xương, cơ, khớp và dây thần kinh. Do cột sống thắt lưng là bộ phận nâng đỡ sức nặng của phần trên cơ thể nên rất dễ bị đau bởi các chấn thương mô mềm hay xương sống. Đau lưng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, vì vậy, nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra tổn thương cho hệ thống xương khớp, cột sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

ua các nghiên cứu trên lâm sàng và thực tế điều trị, các chuyên gia y tế đã thống kê được những nguyên nhân hàng đầu được coi là “thủ phạm” gây ra chứng đau lưng.

Do bị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, người bệnh thường xuất hiện chứng đau lưng. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống nhưng hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Nhiều khi thoát vị đè vào dây thần kinh làm đau lan xuống chân.

Đau lưng do gãy xương, chấn thương hoặc bong gân

Gãy xương ở cột sống có thể là một trong những nguyên nhân nổi bật của bệnh đau lưng. Cơn đau do gãy xương thường khác hẳn với đau lưng mạn tính, nó thường có cảm giác đau buốt. Nếu chỉ bị rạn xương sẽ đau âm ỉ kéo dài, người bệnh trẻ tuổi thường bỏ qua triệu chứng này vì nghĩ nó là hậu quả do một tai nạn. Nhưng đối với người lớn tuổi, việc liền xương rất khó và thời gian rất lâu, cần phải bó cố định hoặc bó bột. Những bệnh nhân bị gãy xương ở cột sống thường trở thành bệnh nhân đau lưng mạn tính ngay cả sau khi phẫu thuật hoặc điều trị.

Khi bị bong gân hay chấn thương tủy sống, người bệnh có thể không cảm thấy đau ngay lập tức. Người bệnh có thể bị đau nhiều sau mang vác nặng, đó có thể do bong gân hoặc giãn dây chằng do chấn thương. Tuy nhiên, trên lâm sàng, những vết thương cũ hoặc bị thương dẫn đến bong gân được cho là nguyên nhân phổ biến của chứng đau lưng này.

 

Thoát vị đĩa đệm cột sống, một nguyên nhân gây đau lưng.

Thoát vị đĩa đệm cột sống, một nguyên nhân gây đau lưng.

Hội chứng đau cơ xơ hoá

Hội chứng đau cơ xơ hoá là một tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Đây là một yếu tố hàng đầu gây đau lưng, nặng có thể gây đau toàn thân. Đau cơ xơ hoá thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, mất ngủ nhưng không có tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp. Đau thường tăng lên sau quá trình làm việc nặng kéo dài. Hội chứng này hay gặp ở những người mắc các bệnh khớp mạn tính.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp là một vấn đề thường gặp ở tuổi trung niên, chủ yếu thường xuất hiện ở phụ nữ hơn nam giới. Có nhiều thể viêm xương khớp nhưng chủ yếu là viêm khớp do thoái hóa và viêm khớp do viêm. Tình trạng này xảy ra do thoái hóa khớp, dịch khớp đông lại, nhất là vào mùa lạnh làm chứng đau khớp, viêm khớp tăng lên. Để điều trị các chứng viêm khớp tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh có thể được bác sĩ cho dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phải phẫu thuật.

Ngồi quá nhiều

Thói quen ngồi nhiều trong một thời gian dài của những người làm việc văn phòng sẽ rất có hại cho sức khỏe và chức năng hoạt động cột sống lưng. Ngồi nhiều liên tục là một nguyên nhân mắc bệnh đau lưng.

Do loãng xương

Đàn ông luống tuổi và phụ nữ mãn kinh thường xuyên cảm thấy đau cột sống, co thắt các cơ cạnh sống, dễ bị gãy xương khi có chấn thương nhẹ hoặc bị té ngã. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do loãng xương, cộng với sự lão hóa cơ thể, ít hoạt động ngoài trời, thiếu vitamin D, chức năng dạ dày, ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu, xương bị thoái hóa. Ở phụ nữ thời kỳ trước và sau khi mãn kinh thì hormon sinh dục nữ giảm dẫn đến tăng nhanh quá trình chuyển canxi từ xương vào máu, gây loãng xương. Bệnh này cũng có thể do ăn uống thiếu chất, thiếu canxi, phospho, magne, axit amin và các nguyên tố vi lượng hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Béo phì

Nếu bị béo phì sẽ tạo áp lực rất lớn lên bộ xương là giá đỡ cho cơ thể. Khi lượng chất béo tích tụ ngày càng nhiều trong cơ thể sẽ tạo ra một áp lực lên cột sống khiến xuất hiện bệnh đau lưng. Cân nặng quá mức làm giãn cơ bắp, gây đau lưng và các bệnh viêm xương khớp cột sống. Cần chú ý đến sự xấu đi của bệnh viêm xương khớp ở xương hông và phía trên đầu gối. Cứ khi trọng lượng cơ thể tăng 1kg, cột sống sẽ phải gánh thêm 4kg quá tải. Biện pháp khắc phục duy nhất cho loại bệnh này là giảm cân. Cần lưu ý rằng việc giảm cân đối với người bị béo phì phải từ từ, tránh đột ngột vì nếu giảm cân quá mức lại khiến đau lưng tăng lên.

Ngủ không đúng tư thế

Đôi khi những tư thế ngủ bất thường có thể là một trong những nguyên nhân gây đau lưng. Ví dụ như ngủ nằm úp bụng hay khi ngủ đầu không thẳng với cổ, nó làm cho cột sống phải chịu thêm áp lực. Những chứng đau do ngủ sai tư thế chỉ xảy ra tạm thời nhưng nó sẽ trở thành mạn tính nếu không thay đổi tư thế ngủ của mình. Cách tốt nhất khi ngủ là nằm thẳng lưng, nằm ngửa là tư thế tốt nhất cho hệ xương khớp.

Do lo âu và căng thẳng

Các căng thẳng, lo âu trong công việc tác động rất xấu tới sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, lối sống và chế độ ăn uống không đúng cách gây ra nhiều rối loạn cho cơ thể trong đó có cả chứng đau lưng. Bệnh thường xảy ra khi các dây thần kinh bên trong cột sống không được cung cấp đủ lượng oxy do căng thẳng quá mức, hay việc sử dụng thuốc giảm đau mà không có tác dụng khiến người bệnh lo lắng, đã đau càng thêm đau.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Rất khó để xác định chính xác nguyên đau lưng nếu không tiến hành kiểm tra y khoa cụ thể. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng, người bệnh cần tìm đúng nguyên nhân mới trị dứt căn bệnh này. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu đau lưng thì cần đi kiểm tra ở chuyên khoa cơ xương khớp để được điều trị kịp thời, không để bệnh thành mạn tính. Việc chậm trễ trong điều trị có thể gây nguy hiểm nếu chẳng may bạn mắc phải các bệnh nghiêm trọng.

Để phòng tránh đau lưng, cần năng vận động, tập thể dục thể thao phù hợp. Chế độ ăn phải phong phú, đủ chất và các nhóm thực phẩm giàu canxi và vitamin D cung cấp dưỡng chất cho bộ xương. Với người làm văn phòng phải ngồi nhiều thì sau mỗi 1 giờ nên đứng dậy vận động khoảng 5-7 phút.

BS. Hạnh Hoàng

Rate this post