Chứng rối loạn tiểu tiện này thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với ở nam giới. Ở nam giới, người cao tuổi gặp nhiều hơn người trẻ.
Nguyên nhân gây đau khi đi tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu: Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những nguyên nhân chính gây đau đớn khi đi tiểu. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở thận, bàng quang, niệu quản hay niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiểu chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập ngược dòng thông qua đường niệu đạo. Có những yếu tố nhất định làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu bao gồm: phụ nữ, bệnh đái tháo đường, tuổi già, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, mang thai, đang đặt ống thông tiểu. Ngoài đau khi đi tiểu, nhiễm trùng đường tiểu còn có một số dấu hiệu và triệu chứng như: nhiệt độ cơ thể tăng, nước tiểu có mùi hăng hoặc hôi, nước tiểu có máu hoặc đục, đi tiểu nhiều lần.
Uống 8 ly nước mỗi ngày phòng ngừa viêm đường tiết niệu.
Nhiễm trùng âm đạo: Ở phụ nữ, đôi khi đau trong khi đi tiểu có thể liên quan đến nhiễm trùng âm đạo, kể cả nhiễm nấm âm đạo. Tuy nhiên, với nhiễm trùng âm đạo, có thể thấy triệu chứng âm đạo ra khí hư hôi.
Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể dẫn đến đau khi đi tiểu. Một số trong các nhiễm trùng này là: nhiễm Chlamydia, mụn rộp sinh dục và lậu. Ngoài đau khi tiểu, một số dấu hiệu và triệu chứng khác của bệnh lây truyền qua đường tình dục là: nóng rát, ngứa, dịch tiết bất thường, vết loét hoặc mụn rộp vùng sinh dục.
Do kích thích và viêm: Ngoài các nhiễm trùng trên, các tình trạng khác có thể gây rối loạn tiểu tiện bao gồm: Sỏi đường tiết niệu; kích ứng đường niệu do quan hệ tình dục; viêm bàng quang; Sự thay đổi môi trường âm đạo liên quan đến mãn kinh; Do các hoạt động như đi xe đạp hoặc cưỡi ngựa; Do kích ứng âm đạo hoặc nhạy cảm do sử dụng bồn tắm hoặc một số loại xà phòng, giấy vệ sinh hoặc các sản phẩm như chất diệt tinh trùng hoặc chất tẩy; Do tác dụng phụ của một số thuốc, phương pháp điều trị và thuốc bổ sung; Ung thư tiết niệu; Viêm tuyến tiền liệt; Sau khi áp dụng một số thủ thuật đường niệu gần đây, bao gồm việc sử dụng các dụng cụ xâm nhập hệ tiết niệu để điều trị hoặc xét nghiệm; Nhiễm trùng niệu đạo.
Khi nào cần đi khám bác sĩ, nếu bị đau khi đi tiểu?
Trường hợp cần đi khám ngay là: Đau liên tục khi đi tiểu, có nhiều dịch tiết ra từ âm đạo hoặc dương vật, có máu trong nước tiểu, bị sốt, đau bên hông hoặc đau lưng, có tiền sử sỏi bàng quang hoặc sỏi thận, phụ nữ có thai.
Để chẩn đoán nguyên nhân cần khám xét tổng thể. Xét nghiệm nước tiểu để tìm và xác định vi khuẩn gây bệnh. Xét nghiệm nước tiểu nhằm đánh giá sự hiện diện của các tế bào hồng cầu, bạch cầu và các yếu tố liên quan vi khuẩn.
Nếu nghi ngờ là do viêm âm đạo, có thể tiếp tục lấy chất nhầy âm đạo để xét nghiệm tìm ra sự hiện diện của nấm hoặc các vi khuẩn gây bệnh khác.
Nếu đau khi đi tiểu là do nhiễm trùng niệu đạo, có thể kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn và bạch cầu với một số xét nghiệm. Nếu nhiễm trùng không phải là nguyên nhân gây ra cơn đau, các xét nghiệm khác bao gồm sỏi bàng quang hoặc đo áp suất trong bàng quang có thể hữu ích.
Xử trí đau khi tiểu
Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra đau. Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, nhiễm trùng đường tiểu và một số bệnh lây qua đường sinh dục. Đau khi đi tiểu do vi khuẩn thường nhanh đáp ứng hơn sau khi bắt đầu dùng kháng sinh.
Trang phục quá chật dễ gây các vấn đề ở đường tiết niệu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Uống một lượng đủ nước mỗi ngày để làm sạch hệ thống tiết niệu. Khuyến cáo 8-10 ly nước và chất lỏng cho mỗi ngày.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, đừng cố nín tiểu. Thay vào đó, đi tiểu ngay khi bạn cảm thấy muốn đi tiểu.
Tránh ăn các thức ăn nhiều đường và nhiều gia vị. Chúng có thể gây kích thích bàng quang, gây đau co rút vùng chậu và cũng làm gánh nặng lên bàng quang và thận của bạn.
Tránh uống quá nhiều rượu và đồ uống có chứa caffeine như cà phê và trà. Chúng có thể gây kích ứng bàng quang và thúc đẩy mất nước cơ thể.
Thực hành vệ sinh cá nhân: Sau khi đi tiểu, phụ nữ nên làm khô khu vực sinh dục ngoài theo hướng từ trước ra sau để tránh xâm nhập mầm bệnh vào đường niệu. Bạn nên thay băng vệ sinh thường xuyên và theo khuyến cáo trong chu kỳ kinh nguyệt.
Không sử dụng các sản phẩm như dầu, xà phòng hoặc bột talc xung quanh bộ phận sinh dục ngoài vì có thể dẫn đến kích ứng đường tiểu.
Luôn đi tiểu sau khi quan hệ để loại bỏ vi khuẩn từ niệu đạo. Không mặc quần áo quá chật.
BS. Thanh Hoài