Xét nghiệm trong bệnh viêm loét đại tràng

(Lê Tuấn Anh – Phú Yên)

Để chẩn đoán viêm loét đại tràng, ngoài khám xét lâm sàng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm.

Thử máu: nhằm xác định thiếu máu hoặc nhiễm trùng. Xét nghiệm nhằm tìm kiếm kháng thể để xác định thể viêm loét đại tràng.

Xét nghiệm phân: tìm kiếm hiện diện của bạch cầu nhằm xác định hiện tượng viêm, đồng thời cũng giúp loại trừ các bệnh khác: vi trùng, virút và ký sinh trùng. Đặc biệt có thể xác định nhiễm khuẩn Clostridium gây tiêu chảy.

Nội soi đại trực tràng: đánh giá mức độ tổn thương và lấy mẫu mô làm giải phẫu bệnh; soi trực tràng với ống mềm: xác định các tổn thương ở đoạn hậu môn trực tràng; chụp X-quang bụng, chụp cắt lớp điện toán (CTScan). Việc điều trị nhằm mục đích giảm hiện tượng viêm là nguyên nhân gây ra triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp tốt nhất bệnh không chỉ giảm triệu chứng mà còn thuyên giảm lâu dài. Một số trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật nếu gặp biến chứng.

Thuốc kháng viêm gồm: Sulfasalazin, Mesalamine, corticoide… Các thuốc hỗ trợ miễn dịch có thể giúp giảm viêm và hạn chế phản ứng tự miễn dịch, các thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng khi không đáp ứng với thuốc thông thường (Azathioprine, Mercaptopurine, Cyclosporine), thuốc khác: Infliximab, Adalimumab áp dụng cho những trường hợp viêm loét đại tràng thể trung bình đến nặng mà không dung nạp với điều trị thuốc khác.

Những thuốc điều trị triệu chứng gồm: kháng sinh, chống tiêu chảy, giảm đau, viên sắt… Phụ nữ có thai bị viêm loét đại tràng cũng có thể an toàn, đặc biệt khi bệnh thuyên giảm trong giai đoạn có thai. Phụ nữ nên có thai vào giai đoạn bệnh thuyên giảm. Một số thuốc điều trị nêu trên có thể không được dùng khi mang thai (đặc biệt ở ba tháng đầu thai kỳ). Việc tầm soát ung thư đại tràng là cần thiết ở người bị viêm loét đại tràng bởi khi mắc bệnh tần suất mắc phải ung thư sẽ tăng lên.

Người ta khuyến cáo sau khi bị viêm loét đại tràng toàn thể 8 năm thì phải bắt đầu tầm soát ung thư bằng nội soi, đối với thể viêm đại tràng trái thì tầm soát sau 10 năm, còn thể viêm loét ống hậu môn thì mỗi 10 năm kiểm tra một lần khi bắt đầu tuổi 50.

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

Rate this post