Bé nhà em được 21 tháng, bị viêm tai giữa chảy mủ tái đi lái lại nhiều lần. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu cách chữa trị và phòng để bệnh không tái phát?
Lê Văn Hòa ([email protected])
Viêm tai giữa là bệnh hay gặp ở trẻ, đây là hậu quả của sự viêm nhiễm đường hô hấp trên. Trong trường hợp phát hiện sớm khi bệnh mới ở thể nhẹ có thể tiến hành các bước điều trị tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ: rửa tai, nhỏ thuốc kháng sinh hay uống kháng sinh. Nếu khám thấy màng nhĩ căng phồng, các bác sĩ sẽ trích màng nhĩ để giúp mủ thoát ra hoặc đặt ống thông khí ở tai để dẫn lưu. Trường hợp tai chảy mủ, ngoài việc dùng thuốc, các bà mẹ cũng có thể tự làm khô tai cho trẻ như sau: Gấp và cuộn tờ giấy thấm hoặc mảnh vải bông sạch lại thành sâu kèn (không dùng tăm bông, tăm que hoặc giấy viết vì cứng, chạm vào thành tai gây đau tai). Đặt sâu kèn vào tai trẻ cho đến khi thấm ướt mủ, lấy sâu kèn ra và đặt tiếp một sâu kèn mới khác, làm như vậy cho đến khi tai khô. Ngày thay 3-4 lần. Thường phải làm 1-2 tuần tai mới khô hẳn. Tuy nhiên, khả năng tái phát của bệnh này rất cao. Do vậy, khi trẻ đã một lần mắc bệnh, thì sau đợt điều trị đã ổn định, cần cho trẻ tái khám định kỳ thường xuyên (4-6 tháng/lần). Để phòng bệnh viêm tai giữa xảy ra ở trẻ, cần tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ: môi trường, yếu tố gây dị ứng (bụi bặm, khói thuốc lá…), cần vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, cần cho trẻ bú mẹ để tăng sức đề kháng. Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Khi gội đầu cho trẻ, không nên hạ thấp đầu trẻ quá, trẻ khóc nước bọt sẽ chảy vào tai giữa gây viêm. Bạn hãy đưa bé đi khám và điều trị tại chuyên khoa tai mũi họng nhé.
BS. Hoàng văn Thái