Nguyên nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi
Nguyên nhân viêm phổi ở NCT thường do liên cầu khuẩn hoặc phế cầu khuẩn (theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do phế cầu và liên cầu khuẩn). Virut cũng được cho là thủ phạm gây ra khoảng 50% các trường hợp viêm phổi, thường không nguy hiểm, nhưng có thể gây bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, các vi sinh vật như Mycoplasma và Chlamydia cũng có thể gây viêm phổi ở NCT. Mặc dù ít gặp nhưng các chủng vi khuẩn gram âm và tụ cầu vàng có thể gây viêm phổi nặng làm người bệnh suy hô hấp, phải thở máy, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu viêm phổi ở NCT
NCT dễ bị viêm phổi do thường mắc nhiều bệnh tật kèm theo như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, các bệnh lý mạn tính khác, hệ miễn dịch cũng bị suy giảm, vì vậy sức đề kháng của họ yếu hơn. Viêm phổi gây ra bởi hơn 30 loại sinh vật; các chủng khác nhau có nghĩa là các triệu chứng có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên, các triệu chứng sau đây có thể báo hiệu đang bị viêm phổi: khó chịu hoặc cảm thấy mệt mỏi; ho khan hoặc ho đờm xanh hoặc màu vàng; Đau ngực; lơ mơ; sốt nóng, ớn lạnh thậm chí rét run; khó thở, thở nhanh. Thông thường, các triệu chứng viêm phổi ở NCT thường âm thầm, không điển hình và dễ nhầm với các bệnh lý khác. Người bệnh có thể nghĩ rằng mình chỉ đơn giản là đang bị cảm lạnh hoặc cúm. Nếu người bệnh có tiềm ẩn bệnh lý sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ thì vấn đề khai thác triệu chứng càng mơ hồ. Những bệnh nhân phải nằm lâu do già yếu, tai biến, Parkinson, sa sút trí tuệ giai đoạn cuối hay bệnh lý xương khớp… thì nguy cơ viêm phổi tăng nhiều lần. Đặc biệt họ dễ mắc viêm phổi do hít phải thức ăn, nước uống nhất là khi thường xuyên phải ăn uống ở tư thế nằm.
NCT nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để điều trị tốt các bệnh lý mạn tính.
Có thể gặp biến chứng nguy hiểm
Viêm phổi ở NCT nếu không được điều trị tích cực có thể gặp biến chứng nguy hiểm như: tổn thương lan tỏa hai phổi; xẹp phổi do cục đờm gây bít tắc phế quản; viêm màng phổi và viêm mủ màng phổi; áp-xe phổi; nhiễm khuẩn huyết và các tạng khác có thể gây tử vong; suy hô hấp khi phổi bị thương nặng gây nguy cơ tử vong.
Những lưu ý trong điều trị và chăm sóc người bệnh viêm phổi
Hầu hết các bệnh nhân viêm phổi mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà. Khoảng 15- 20% những người bị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng được điều trị tại bệnh viện. Viêm phổi do virut thường nhẹ, tự khỏi mà không cần dùng thuốc; một số trường hợp có thể được kê thuốc kháng virut, không dùng thuốc kháng sinh. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và bù đủ lượng nước mất. Nếu có các triệu chứng mới phát sinh, có thể người bệnh đã bị bội nhiễm vi khuẩn.
Viêm phổi do vi khuẩn luôn luôn phải điều trị bằng thuốc kháng sinh dù điều trị tại nhà hay nhập viện. Do sự đề kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây bệnh nên việc điều trị trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, việc dùng kháng sinh đủ liều lượng và thời gian là rất quan trọng. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Những người bị viêm phổi không điển hình do Mycoplasma và Chlamydia cũng được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Người bệnh thường có triệu chứng nhẹ hơn, có thể mất 4-6 tuần để hồi phục hoàn toàn. Ngoài kháng sinh, người bệnh có thể được dùng thuốc giảm sốt, loãng đờm. Ho là phản ứng của cơ thể giúp loại bỏ bớt tác nhân gây nhiễm trùng phổi, do vậy không nên tùy ý sử dụng thuốc giảm ho. Trừ khi người bệnh bị mất ngủ do ho, có thể dùng thuốc giảm ho liều thấp. Với người bệnh suy giảm ôxy hóa máu có thể cần thở ôxy. Người bệnh viêm phổi thường rất mệt mỏi và chán ăn, vì vậy nên cho người bệnh ăn những loại thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, súp,… và chia nhỏ bữa để hệ tiêu hóa của người bệnh hấp thu tốt hơn. Lưu ý cho bệnh nhân uống nhiều nước (như sữa, nước ép trái cây) để bù đắp lượng nước mất đi do viêm phổi.
Tiêm vắc-xin phòng phế cầu khuẩn sẽ giúp ngăn chặn 23 chủng vi khuẩn khác nhau gây viêm phổi (mặc dù có rất nhiều chủng vi khuẩn gây viêm phổi). Các chuyên gia khuyên nên dùng liều đầu tiên khi ở độ tuổi 50 và liều thứ hai ở tuổi 65, sau đó mỗi 5 năm nên tiêm một liều mới.
Tiêm vắc-xin cúm: mặc dù không phòng tránh hoàn toàn viêm phổi do virut, nhưng nếu đã được tiêm phòng cúm, tình trạng bệnh nhẹ hơn. Viêm phổi do virut thường là một bệnh nhiễm trùng thứ phát sau cúm; người đã tiêm vắc-xin này ít có nguy cơ biến chứng thành viêm phổi. NCT nên được tiêm phòng cúm hàng năm.
Việc giữ vệ sinh tay sạch sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh thông qua bàn tay; viêm phổi cũng có thể xảy ra sau nhiễm khuẩn răng miệng, vì vậy răng miệng nên được giữ sạch sẽ. Ngoài ra, tập thể dục, nghỉ ngơi và ăn uống lành mạnh, giữ ấm cơ thể giúp tăng sức đề kháng phòng bệnh viêm phổi. Cuối cùng là người già thường có các bệnh lý mạn tính kèm theo, do đó cần tuân thủ điều trị của bác sĩ và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
BS. Nguyễn Quân
((Khoa Hồi sức cấp cứu – BV Lão khoa Trung ương))