Theo số liệu thống kê từ Cục Y tế dự phòng, tính từ năm 2011 đến nay, cả nước có 610 trường hợp viêm não mô cầu, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2016 đã có 6 trường hợp mắc bệnh và 1 ca tử vong.
Mới nhất là trường hợp bé gái 5 tháng tuổi tại TP.HCM nhập viện trong tình trạng sốt cao, da tím tái, đã tử vong chỉ sau vài giờ được xác định là viêm não mô cầu. Được biết đây là ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên ở TP.HCM kể từ đầu năm đến nay.
Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ
Viêm não mô cầu diễn tiến nặng nhanh và có thể gây tử vong trong 24 giờ
Cả 2 trường hợp tử vong được xác định do viêm não mô cầu trong năm nay đều có diễn tiến nặng nhanh và dẫn tới tử vong chỉ trong 48 giờ. Trường hợp đầu tiên của năm là nữ sinh ở Hải Dương đã tử vong chỉ sau 2 ngày sốt nhẹ đau đầu, và trường hợp thứ hai là bé gái 5 tháng tuổi tại TP.HCM được nhắc đến ở trên.
Theo các chuyên gia, mặc dù ít gặp nhưng bệnh viêm não mô cầu được đánh giá là rất nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 2 nhóm tuổi dễ bị lây nhiễm nhất là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và thanh thiếu niên trong khoảng 14-20 tuổi.
Viêm não mô cầu có thể để lại di chứng nghiêm trọng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh viêm não mô cầu có các triệu chứng xuất hiện đột ngột. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng điển hình là sốt cao, cứng cổ, đau đầu, nôn mửa, biếng ăn và bỏ ăn. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ có biểu hiện thóp phồng hoặc phản xạ bất thường và biểu hiện cứng gáy rõ hơn.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực nội sọ, phù não gây tử vong, hay áp xe não khiến tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ cơ thể gây nhiễm trùng huyết và tử vong.
Trẻ mắc bệnh có thể bị di chứng nặng nề
Những trường hợp may mắn sống sót có thể phải chịu di chứng nghiêm trọng như phù não, tổn thương thần kinh trung ương, cắt bỏ các chi, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.
Viêm não mô cầu dễ lây qua tiếp xúc gần
Vi khuẩn não mô cầu khu trú trong dịch mũi họng, qua tiếp xúc thông thường chỉ cần dính chút dịch mũi họng như nước bọt, dịch tiết đường hô hấp của người đang ủ bệnh hoặc người phát bệnh là có thể bị nhiễm. Do vậy, khi phát hiện ra cần nhanh chóng cách ly người bệnh, đồng thời cách ly và theo dõi những người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc và không dùng chung vật dụng sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.
Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao
Các chuyên gia y tế cho biết, viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp nghiêm trọng, khó phát hiện sớm bởi các triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị kịp thời khiến tỷ lệ tử vong cao và bệnh dễ lây thành dịch. Nếu không điều trị kịp thời, ở thể tối cấp tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 60-70%, thể viêm màng não mủ tỷ lệ tử vong là 30-40%.
Cha mẹ cần để ý những dấu hiệu bất thường của trẻ
Với mức độ nguy hiểm và di chứng nghiêm trọng, bệnh viêm não mô cầu không chỉ là mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng mà còn là nỗi lo lớn của các bậc phụ huynh có con nhỏ. Để bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh nên tránh cho trẻ đến nơi đông người, giữ vệ sinh cho trẻ và của chính bản thân mình, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ thoáng mát, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm bệnh với các triệu chứng điển hình, phụ huynh không nên tự ý điều trị mà tốt nhất nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ảnh minh họa: Internet
Vân Doãn