(Lâm Ti Phong -Bến Tre)
Ban xuất huyết Henoch-Schoenlein được mô tả từ những năm 1800, đây là một tình trạng viêm mao mạch dị ứng thường xảy ra sau nhiễm khuẩn hô hấp trên. Quá trình viêm mạch có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào nên biểu hiện rất đa dạng, ở nhiều cơ quan: da, khớp, đường tiêu hóa, thận, tim, gan, phổi, mắt… trong đó xuất hiện ban xuất huyết ở da và bệnh lý viêm thận gây sự chú ý nhiều nhất cho bệnh nhân. Nếu phát hiện sớm và điều trị thích hợp thì tiên lượng tương đối tốt, tuy nhiên có thể xảy ra suy chức năng thận với tiên lượng xấu. Với biểu hiện lâm sàng ở khắp các cơ quan có xảy ra viêm mao mạch và đều không có gì đặc hiệu chỉ trừ ban xuất huyết ở da nên nhiều khi bệnh bị bỏ sót. Một số trường hợp được chẩn đoán riêng rẽ ở cơ quan biểu hiện.
Các chuyên gia chẩn đoán bệnh dựa trên đề xuất của Hội thấp học Hoa Kỳ năm 1990, gồm hai trong các tiêu chuẩn sau: dưới 20 tuổi, ban xuất huyết, đau bụng và thâm nhiễm bạch cầu đa nhân thành mạch máu trên sinh thiết (da, ruột, thận). Đến năm 2005 thì có tiêu chuẩn mới là ban xuất huyết kết hợp với ít nhất một trong 4 triệu chứng: đau bụng lan tỏa, viêm khớp hoặc đau khớp, tổn thương thận (tiểu máu hoặc tiểu đạm) và có sự lắng đọng IgA ở bất kỳ mẫu sinh thiết nào. Như đã nêu, để chẩn đoán bệnh cần thiết phải làm sinh thiết cơ quan bị tổn thương để xác định mức độ của viêm mao mạch và hướng cho việc điều trị. Ngoài ra bệnh nhân cần phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu (quan trọng là xác định tiểu máu và tiểu đạm), siêu âm bụng, chụp X-quang bụng, chụp cộng hưởng từ nhân (MRI) cũng giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.
Bệnh nhân nghi ngờ bệnh ban xuất huyết Henoch-Schoenlein nên đến các chuyên gia để khám và điều trị cũng như theo dõi, các chuyên khoa có thể đến để được tư vấn gồm: da liễu, tiêu hóa, thận, khớp.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ