Viêm đường tiết niệu và thuốc dùng

Nguyễn Thị Thuỳ Dương (Vĩnh Phúc)

Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu ở thấp gồm niệu đạo, bàng quang. Nếu chỉ bị viêm đường tiết niệu thông thường thì điều trị không khó khăn lắm và có thể khỏi hoàn toàn.

Triệu chứng thường gặp là đái rắt (nghĩa là đái nhiều lần trong ngày, có thể 4 – 5 lần nhưng cũng có thể 10 – 20 lần, nhưng mỗi lần chỉ có rất ít nước tiểu) và đái buốt.

Trường hợp của cháu, nếu loại trừ các trường hợp viêm đường tiết niệu do các vi khuẩn đặc hiệu, thì nhiều khả năng là viêm đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn thông thường.

 

Hình ảnh cấu tạo hệ tiết niệu.

Hình ảnh cấu tạo hệ tiết niệu.

 

Cháu có thể điều trị theo cách sau:

– Cần uống nhiều nước, khoảng 2 lít mỗi ngày để làm tăng lượng nước tiểu giúp thải vi khuẩn ra khỏi đường niệu. Cũng có thể uống nước sắc râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh, tua rễ đa, nước rau cải… là các chất gây lợi tiểu nhẹ. Nếu viêm đường tiết niệu chỉ ở mức độ nhẹ (đi tiểu dưới 5 lần một ngày, ít buốt, mới bị 1 – 2 ngày) có thể chỉ bằng uống nhiều nước cũng khỏi được.

– Sử dụng kháng sinh loại đào thải chủ yếu qua thận, nên chọn kháng sinh tác dụng lên vi khuẩn gram âm như  trimethoprim,  ofloxaxin… Không dùng ofloxaxin cho trẻ em dưới 16 tuổi vì thuốc gây chậm phát triển sụn.

– Nếu đái buốt nhiều thì có thể uống thêm các thuốc làm giãn cơ trơn như nospa…

Các thuốc trên uống trong khoảng 5 – 7 ngày, nên uống lúc đói để thuốc được hấp thu tốt hơn. Điều quan trọng nữa là cháu cần đề phòng bệnh tái nhiễm, giữ vệ sinh vùng sinh dục và tầng sinh môn (đoạn giữa hậu môn và cơ quan sinh dục) bằng cách rửa bằng xà phòng mỗi ngày một lần, đồng thời cần uống đủ nước theo nhu cầu hàng ngày.

BS. Hà Hoàng Kiệm

Rate this post