Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lây lan từ người này sang người khác. Bệnh dễ tái phát mỗi khi có yếu tố thuận lợi sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm, khói bụi, hóa chất, vệ sinh miệng họng kém, cơ thể suy giảm sức đề kháng,… viêm amidan gây biến chứng và khó chịu cho người bệnh nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh trong đó chủ yếu là do vi khuẩn như: Vi khuẩn: tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí. Và virut thường gây bệnh ở người trẻ tuổi, đặc biệt trong những trường hợp như ở lớp học, virut dễ dàng lây từ người này sang người khác do sự tập trung đông người.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để phòng bệnh.
Dấu hiệu nhận biết
Viêm amidan cấp: Khi mắc, người bệnh thường bị đau họng, sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo chảy nước mắt; 2 amidan sưng to, vùng họng viêm đỏ. Đối với biểu hiện trên thông thường do virut cúm gây bệnh. Nếu bệnh nhân sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai, hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amiđan thường do vi khuẩn như liên cầu khuẩn, xoắn khuẩn,…
Viêm amidan mạn tính: Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng, bệnh chuyển thành mạn tính. Khi mắc người bệnh thường có cảm giác vướng họng, đôi khi đau nhói trong họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi. Đối với thể viêm amidan quá phát, bệnh nhân ngủ ngáy thường xuyên hoặc tăng lên trong đợt viêm amidan, một số trường hợp còn phát hiện cơn ngừng thở khi ngủ thể bệnh này hay gặp ở trẻ em. Khi thăm khám thấy 2 amidan to chạm nhau, trên bề mặt có nhiều khe, hốc có thể đọng lại ít mủ nhầy hoặc chất bã đậu. Với thể xơ teo thấy 2 amidan nhỏ nằm trong hốc amidan, bề mặt xơ, có nhiều hốc chứa chất bã đậu, hai trụ amidan viêm dày đỏ, sẫm màu.
Nhiều biến chứng
Thông thường viêm amidan thì không gây biến chứng gì, chỉ gây biến chứng khi kéo dài quá 1 tuần. Tuy nhiên, đối với một số thể bệnh và cơ địa bệnh nhân thì bệnh có thể gây nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm xoang. Nếu viêm họng do liên cầu thì có thể gây sốt phát ban (bệnh ban đỏ). Một biến chứng hiếm gặp là áp-xe họng, thường xảy ra ở một bên. Nếu lớn cần phải chích rạch tháo áp-xe. Trong một số hiếm trường hợp có thể gặp biến chứng như: thấp khớp, viêm thận…
Áp – xe quanh amidan xuất hiện khi nào?
Áp-xe quanh amidan thường xuất hiện sau viêm amidan cấp khoảng 5 – 7 ngày. Khi đó, bệnh nhân thấy đau họng liên tục trong khi vẫn đang được sử dụng kháng sinh, mức độ đau tại họng giảm trong một hai ngày đầu, sau đó lại tăng lên ngày một nặng. Đặc điểm đau họng trong áp-xe quanh amiđan là đau lan lên tai khi nuốt, đau nhức vùng góc hàm. Đi kèm theo là sốt 39 – 40ºC, gai rét, rất mệt mỏi, môi khô, lưỡi dày có nhiều giả mạc trắng đục trên bề mặt. Sau đó người bệnh bắt đầu cảm thấy nuốt khó, nước bọt chảy nhiều, bẩn, hơi thở hôi, giọng nói bị thay đổi, trở nên đầy đầy, khó nghe do eo họng bị thu hẹp. Giai đoạn muộn khi khối áp-xe lan ra vùng cơ cắn sẽ gây ra hiện tượng khít hàm. Có thể có khó thở khi khối áp-xe lấp kín họng miệng rồi lan dần xuống họng thanh quản.
Khi mắc bệnh cần đến khám bệnh tại cơ sở y tế, không tự ý sử dụng thuốc.
Chỉ định cắt amidan khi nào?
Chỉ định cắt amidan được đặt ra trong những trường hợp sau: Viêm amidan từ 3 – 5 lần một năm trong hai năm liên tiếp; gây hơi thở hôi do vi khuẩn yếm khí Weillon; biến chứng tại chỗ như viêm tấy, áp-xe quanh amidan; có các biến chứng viêm xoang, viêm thanh khí phế quản; biến chứng toàn thân như viêm cầu thận, thấp tim, thấp khớp cấp,… Tuy nhiên phải được thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng khám và đánh giá cụ thể trên từng bệnh nhân để có được quyết định chính xác.
Để phòng ngừa bệnh viêm amidan cần luôn chú ý giữ sức khỏe tốt, nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng của cơ thể bằng rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao; giữ vệ sinh răng miệng, mũi, họng bằng cách đánh răng sau khi ăn, súc họng bằng nước muối ấm; tránh dùng nước đá quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột, nhất là khi nhiệt độ ngoài môi trường cao; nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao; khi có biểu hiện viêm amidan cấp cần đi khám và điều trị dứt điểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dự
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi có dấu hiệu của viêm họng kéo dài quá vài ngày hoặc đau rất nặng gây khó nuốt, sốt cao và nôn, nên đi khám bác sĩ. Khi mắc bệnh, ngoài việc tuân thủ chỉ định của thầy thuốc người bệnh cần uống nước ấm, ăn thức ăn lỏng, dùng các loại thuốc súc miệng (như nước muối pha loãng, dung dịch súc miệng sát khuẩn có bán sẵn). Khi amidan sưng đau làm cho bệnh nhân không muốn nuốt, đây là lý do thường gặp làm cho bệnh nhân bị mất nước do sốt và do thở bằng miệng. Bù nước và điện giải sẽ làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ và phải giữ ấm cơ thể. Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần thực hiện điều trị viêm amiđan cấp hay mạn tính theo đúng chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc, cách dùng cũng như thời gian uống mà bác sĩ đã kê đơn.