Đặng Văn Thắng ([email protected])
Theo cơ chế bệnh sinh, sở dĩ thức ăn gây dị ứng là do bản thân thức ăn chứa nhiều histamin hoặc khi vào cơ thể qua chuyển hóa thức ăn làm sản sinh ra nhiều histamin và một số chất trung gian hóa học có tác dụng làm giãn mao mạch, thoát huyết tương và một số tế bào thoát ra đọng lại gây phù nề tại chỗ, ở một vùng hoặc rải rác khắp cơ thể. Các chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động vật và thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Do đó mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người.
Ngoài ra, các chất protein này còn không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và chất axít của dịch dạ dày. Các biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng với thực phẩm là: nổi mề đay ở da hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng trở nặng của bệnh chàm. Hay nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy làm dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn. Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như phù nề thanh quản gây khó thở, nhiều khi rất dữ dội, có thể gây sốc phản vệ. Tùy biểu hiện của dị ứng mà việc điều trị có khác nhau. Nếu là mày đay cấp, nhẹ thì thầy thuốc chỉ cho dùng kháng histamin; nặng hơn có khi phải kết hợp với các chế phẩm corticoid uống hoặc tiêm, truyền.
Đối với sốc phản vệ do thức ăn phải được phát hiện và điều trị kịp thời ở cơ sở y tế chuyên khoa mới mong thoát khỏi tử vong. Vì vậy, bạn nên tránh những thức ăn mình đã dị ứng, nếu có biểu hiện cần uống thuốc kháng histamin ngay.
BS. Vũ Lan Anh