Truy thủ phạm khiến mắt bị ngứa, đỏ

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Khô mắt

Khô mắt là tình trạng lớp phim nước mắt bị tổn thương, do lượng nước mắt tiết ra không đủ hoặc do tốc độ bốc hơi nhanh, gây thương tổn bề mặt nhãn cầu và gây cảm giác khó chịu trong mắt. Phim nước mắt vừa có vai trò làm ẩm bề mặt giác mạc, kết mạc và bôi trơn mi mắt, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho biểu mô, giúp bề mặt giác mạc luôn trơn láng… Do đó có tác dụng làm mắt trong suốt đồng thời đẩy những chất lạ bám vào mắt trôi đi.

Khi bị khô mắt, bạn sẽ cảm giác khó chịu, khô, ngứa, rát bỏng, có dị vật trong mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, mắt đỏ, tăng tiết nhầy, chảy nước mắt… Khi mắt có những triệu chứng trên thì nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa mắt chẩn đoán và xác định chính xác tình trạng khô mắt.

Viêm bờ mi

Viêm bờ mi gây ra tình trạng ngứa, đỏ, chảy nước mắt, bề mặt nhãn cầu sưng, khô. Viêm bờ mi gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, việc điều trị có khi rất dai dẳng vì xác định nguyên nhân thường khó có thể chính xác hoàn toàn hoặc là do nhiều nguyên nhân cùng gây nên. Có 3 kiểu viêm bờ mi mắt như sau:

Viêm bờ mi mắt do tụ cầu: Đây là loại viêm bờ mi mắt hay gặp nhất, nhiễm Staphylococcus aureus ở mi mắt gây viêm mi, kết mạc và giác mạc. Gặp ở nữ giới (80%) và những người trẻ. Bệnh nhân thấy cảm giác nóng, ngứa và rát da, đặc biệt vào buổi sáng, hai mi mắt dính vào nhau.

Viêm ở phần trước mi: Viêm bờ mi vùng góc mắt (angular blepharitis) với đặc điểm đỏ, ướt, nứt nẻ và đóng vảy ở góc ngoài, góc trong hoặc cả hai góc mắt (toét mắt) thường kèm viêm kết mạc nhú gai, đôi khi có tiết nhày mủ và dịch tiết dính. Có loét và xuất huyết bờ mi.

Viêm mạn tính điển hình: có những vảy cứng, giòn ở gốc lông mi, bằng mắt thường đôi khi chỉ thấy những vảy trắng. Khám bờ mi bằng kinh hiển vi thấy vảy cứng bao quanh mỗi lông mi.Khi có cảm giác khó chịu, cần đi khám mắt để được tư vấn. Ảnh: TM

Khi có cảm giác khó chịu, cần đi khám mắt để được tư vấn. Ảnh: TM

Kính áp tròng

Việc đeo kính áp tròng hàng ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đôi mắt của bạn. Trong đó, đeo kính áp tròng lâu ngày sẽ dẫn đến ngứa mắt, tăng nguy cơ phát triển bệnh khô mắt, dị ứng khiến đôi mắt nhạy cảm, đỏ và ngứa.

Kính áp tròng là loại kính đặc biệt được đeo trực tiếp lên đồng tử mắt. Chính vì vậy mà vấn đề vệ sinh kính áp tròng được đặt lên hàng đầu, bởi chỉ cần để kính áp tròng bị bẩn, nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt của bạn. Đối với những người sử dụng kính áp tròng, ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn mà ai cũng sợ hãi. Loại ký sinh trùng nhỏ bé này khi xuất hiện ở kính áp tròng và được gắn lên mắt người, chúng có khả năng ăn mòn giác mạc và sinh sôi nảy nở khó kiểm soát. Dưới sự tấn công của chúng, mắt chúng ta dễ gặp các triệu chứng như ngứa rát, nhìn mờ, đau mắt, chảy nước mắt, sưng phồng mí,… Nghiêm trọng hơn, chúng có thể làm giảm thị lực và dẫn đến mù lòa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nguyên nhân đầu tiên chính là việc vệ sinh lens kém, tay đeo lens không hợp vệ sinh, hoặc để lens tiếp xúc với các loại nước mưa, nước máy. Việc đeo kính áp tròng quá nhiều cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho mắt. Một nguyên nhân khác dẫn đến những tác hại của kính áp tròng chính là việc đeo kính áp tròng quá thời hạn sử dụng hoặc không tuân thủ các yêu cầu mà nhà sản xuất đưa ra. Nhiều người do tâm lí tiết kiệm đã không thay kính và khay đựng dẫn đến việc các vi khuẩn, ký sinh trùng có điều kiện xâm nhập và tấn công mắt.

Mỏi mắt vì sử dụng các thiết bị điện tử

Hiện nay, mọi người thường xuyên tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật số. Tất cả thời gian phải tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính làm cho mắt căng thẳng và cảm thấy ngứa.

Mắt căng thẳng cũng có thể gây ra mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung, lâu dài có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn. Để giảm căng thẳng cho mắt, bạn nên áp dụng quy tắc 20-20-20: Nhìn vào vật gì đó cách khoảng 20 feet (tương đương hơn 6 mét) trong 20 giây sau 20 phút sử dụng thiết bị kỹ thuật số.

Nước biển hoặc nước hồ bơi

Muối trong nước biển hoặc chất clo trong nước hồ bơi gây khô mắt dẫn đến mẩn đỏ, ngứa mắt. Các triệu chứng khác do nước hồ bơi làm mắt đỏ là mắt khô hoặc bị kích thích. Để làm sạch nước, các bể bơi thường sử dụng hoạt chất clo. Clo là một chất khử trùng thông thường, các hợp chất clo được sử dụng trong các bể bơi để giữ sạch sẽ và vệ sinh. Những bể bơi không được tẩy trùng kỹ sẽ là môi trường sống cho rất nhiều loại khuẩn như Cryptosporidium – nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy ở người hay khuẩn Chlamydia Trachomatis – hung thủ của viêm kết mạc ở mắt. Nhưng bể bơi chứa quá nhiều clo lại gây kích ứng da, mắt và một số tác hại nguy hiểm khác.

Dị ứng theo mùa

Chất gây dị ứng như phấn hoa và cỏ có thể gây ra sưng và viêm mắt, có thể dẫn đến mẩn đỏ. Dị ứng cũng có xu hướng làm cho đôi mắt bị ngứa khiến bạn dụi mắt tạo ra viêm nhiều hơn và mẩn đỏ.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để hạn chế tình trạng ngứa, đỏ mắt, bạn cũng nên chú ý chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của mình. Tránh làm việc trước máy tính quá lâu, hạn chế xem tivi, thức quá khuya vào buổi tối. Ngủ đủ giấc để mắt luôn sáng khỏe. Nên đeo kính râm khi đi ra ngoài nắng hoặc môi trường nhiều khói bụi. Tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên có thể gây dị ứng như: lông súc vật, bụi nhà, phấn hoa, khói thuốc lá… Về chế độ ăn, cũng cần bổ sung những thực phẩm tốt cho mắt, nên ăn cá để tăng cường omega-3, ăn các loại rau màu xanh đậm hoặc củ quả màu đỏ như súp lơ xanh, rau cải ngồng, cà rốt, cà chua, gấc, cam, bưởi,… nhằm cung cấp vitamin A, C, E, lutein, zeaxanthin, kẽm – những dưỡng chất không thể thiếu cho võng mạc mắt.

Khi thấy tình trạng ngứa, đỏ mắt kéo dài thì cần đi khám chuyên khoa để được điều trị, không tự ý dùng thuốc tra nhỏ mắt khiến tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và ngày càng khó chữa.

 

BS. HIỀN THU

Rate this post