Mỗi lần như vậy tôi chỉ lấy nước mát rửa qua, nhưng cũng không hết cảm giác ngứa. Có thuốc nào trị được triệu chứng này không? Xin bác sĩ tư vấn giùm.
Lê Thi Hoa (Hoài Đức, Hà Nội)
Theo thư chị mô tả thì chị đang gặp phải tình trạng viêm da tiếp xúc do côn trùng. Bệnh xảy ra do phản ứng dị ứng của da với các thành phần của côn trùng như phấn, chất bài tiết, nọc độc… Tổn thương ngoài da mới đầu là nổi ban đỏ, hơi nề và ngứa tại vùng tiếp xúc, sau đó có thể xuất hiện các mụn nước, bọng nước và nóng, đau rát. Nếu không điều trị đúng có thể nhiễm trùng lan rộng, loét da…
Việc điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm trùng thứ phát. Phương pháp điều trị tùy theo tổn thương để dùng thuốc phù hợp.
Ngay khi bị viêm da do côn trùng, nên dùng nước muối sinh lý rửa tổn thương 3-4 lần/ngày nhằm trung hòa độc tố của côn trùng. Tuy nhiên, nên tránh kì cọ gây xước da, làm tổn thương lan rộng. Khi các tổn thương đỏ, đau rát có thể dùng các thuốc làm dịu da, chống viêm như các loại hồ (hồ nước, hồ tetra-pred) hoặc các loại mỡ kháng sinh phối hợp với corticoid bôi 2-3 lần/ngày. Trường hợp có bọng nước, bọng mủ thì nên chấm dung dịch màu milian, castellani hoặc dùng nước thuốc tím pha loãng… bôi 1-2 lần/ngày.
Với trường hợp có ngứa nhiều thì nên dùng thuốc kháng histamin H1 gồm chlorpheniramine, hydroxyzine, cetirrizin, levocetirizin… Nên hạn chế dùng các thuốc này vào ban ngày, khi cần sự tỉnh táo vì thuốc có thể gây buồn ngủ. Trường hợp tổn thương lan rộng, bọng mủ rộng và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân thì phải dùng kháng sinh uống (nhóm cephalosporin, beta lactam…), uống 1 liều để tránh bội nhiễm.
Bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định điều trị cụ thể, không nên chần chừ, tổn thương dễ lan rộng. Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể phòng tránh bằng cách: Nên đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Giữ gìn quần áo, đồ dùng không để côn trùng bám đậu…
DS. Yến Trang