Theo bác sĩ Lê Long Hải, Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, thính giác là một trong những cơ quan phát triển tương đối đầy đủ ngay từ trong bụng mẹ. Khi trẻ sinh ra thì hệ thống thính giác đã hoàn thiện.
Chức năng của tai là dùng để nghe, chức năng của thanh quản là dùng để phát âm, hai bộ phận này có mối liên quan mật thiết, được điều khiển bởi não. Bản chất của việc hình thành tiếng nói là sự lặp lại những gì trẻ đã được nghe. Do đó, nếu trẻ không nghe được thì dù thanh quản bình thường, trẻ vẫn không thể nói được.
Tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh tại khoa Thính học – Bệnh viện Tai Mũi Họng SG. Ảnh: BVCC |
Việc không giao tiếp được, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển sẽ dễ dẫn đến những thay đổi bất thường trong thần kinh tâm lý của trẻ. Trẻ khiếm thính thường dễ bị cô lập và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
“Con người có giai đoạn phát triển ngôn ngữ nhất định, trong vòng 2 – 3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ học ngôn ngữ rất nhanh. Trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ điều trị kịp thời ngay trong giai đoạn này thì mới có nhiều cơ hội nghe, nói và phát triển bình thường”, bác sĩ Hải cho biết.
Ở các nước phát triển, tất cả các trẻ sơ sinh đều được tầm soát khiếm thính, để phát hiện sớm dị tật và hỗ trợ điều trị kịp thời trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ. Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa chú trọng đúng mức đến tầm quan trọng của tầm soát khiếm thính ở trẻ, nhiều trẻ khi lớn tuổi mới được phát hiện, do đó hiệu quả điều trị kém.
“Có những dị tật dù thời gian điều trị trễ vẫn có hiệu quả, nhưng riêng khiếm thính phải được phát hiện và hỗ trợ điều trị sớm mới có hy vọng trẻ nghe được ”, bác sĩ Hải cảnh báo.
Khi phát hiện sớm, trẻ sẽ được hỗ trợ đeo máy nghe, máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử để có thể học nghe, học nói sớm và phát triển như những trẻ em bình thường.
Theo bác sĩ Hải, tỷ lệ trẻ khiếm thính trên thế giới hiện nay là khoảng 0,1%, đặc biệt cao ở những nhóm đối tượng trẻ sinh non, sinh thiếu tháng (dưới 37 tuần) hoặc sinh già tháng (trên 42 tuần). Ngoài ra những trẻ có mắc các dị tật khác như mắt, tim, bộ phận sinh dục… cũng có khả năng khiếm thính cao.
Một số nguyên nhân gây khiếm thính ở trẻ sơ sinh:
– Mẹ bị nhiễm Rubella, bị ngộ độc thuốc, dùng thuốc kháng sinh khi mang thai.
– Người mẹ có tiền căn sẩy thai.
– Do di truyền
– Khoảng 30% không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, tất cả trẻ sơ sinh trước khi xuất viện đều cần được tầm soát khiếm thính. Như đã nói, có 30% trẻ điếc bẩm sinh là không rõ nguyên nhân nên không thể loại trừ trường hợp trẻ bình thường vẫn có nguy cơ mắc phải.
Đặc biệt với những nhóm trẻ nguy cơ cao sau đây thì việc tầm soát là rất cần thiết:
– Trẻ sinh non hoặc sinh già tháng
– Những trẻ chậm nói, nói ngọng, ít nhạy hoặc không có phản ứng với những âm thanh lớn xung quanh
– Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh
– Trẻ có mẹ có tiền căn sẩy thai, mẹ nhiễm Rubella, ngộ độc thuốc khi mang thai.
Tầm soát thính giác cho trẻ sơ sinh là một việc dễ làm, có thể tầm soát ngay những ngày đầu sau sinh, sẽ phát hiện sớm tình trạng khiếm thính ở trẻ và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Lê Phương