Chị Hòa (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, từ lúc mới sinh, mắt con trai chị lúc nào cũng ướt như vừa khóc. Không những thế, mỗi sáng ngủ dậy, mắt cháu thường có nhiều gèn vàng, dính. Nghe nhiều người nói con bị như thế do tắc tuyến lệ, chị Hòa cố đợi bé lớn hơn mới đưa đi khám vì “thấy bảo đi thông đau lắm, con còn bé quá khổ thân, lớn thông một lần khỏi ngay”.
Thế nhưng, sau 4 lần con được thông tuyến lệ mà vẫn chưa khỏi, chị đưa con đến chuyên khoa mắt khám thì được bác sĩ cho biết, đường ống tuyến lệ của bé bị thông nhiều đã trợt loét, dính, giờ không thể thông tiếp, phải đợi khi con lớn hẳn mới phẫu thuật được.
Còn chị Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) không biết con bị tắc tuyến lệ cho đến một lần đưa bé đi khám vì viêm hô hấp. Bác sĩ thấy bé không khóc nhưng mắt chảy nước nên khuyên chị nên đưa con đi khám chuyên khoa mắt. Chị đã đưa con đến bệnh viện có người nhà là bác sĩ để thông mắt giúp bé, nhưng cứ một tháng sau tình trạng lại tái diễn, đến tận lần thứ 3, khi con 9 tháng tuổi.
“Mỗi lần đưa bé đi thông là tim mình thắt lại khi nhìn con khóc thét đau đớn, chỉ hy vọng mắt con sớm khỏi mà vẫn chưa đâu vào đâu”, chị Bình thở dài.
Khám mắt cho trẻ mới sinh. Ảnh minh họa: Thiên Chương. |
Bác sĩ Lê Việt Sơn, trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ là bệnh không hiếm, khoảng 4-5% trẻ mới sinh bị tình trạng này. Nhiều người nhầm tưởng các bé đẻ non hay ảnh hưởng từ nước ối bẩn trong quá trình mẹ chuyển dạ thì bị mắc bệnh này. Song thực tế đây là bệnh bẩm sinh, do có màng bít ở ống lệ đạo.
Ở thai nhi, lệ đạo là một ống đặc, và bình thường sẽ rỗng ở mấy tháng cuối, vì thế khi sinh ra, đa số trẻ có lệ đạo đã thông suốt để thực hiện chức năng dẫn lưu nước mắt. Ở một số trẻ, quá trình tạo ống này vẫn tiếp tục sau khi sinh 1-2 tuần. Một số trẻ khác do màng bít lệ đạo không rỗng, nước mắt không chảy xuống được, mắt thường ướt, đọng nước mắt ở khe mi nên dễ bị viêm kết mạc kéo dài.
Hiện nay, thông thường trẻ bị tắc tuyến lệ thường được bố mẹ đưa đi thực hiện kỹ thuật thông, nhưng có những trường hợp thông đến 2-3 lần, thậm chí 4 lần vẫn chưa khỏi.
Bác sĩ Sơn cho biết, đường ống dẫn nước mắt rất ngoằn nghèo, trong khi mắt trẻ lại mỏng manh, việc thông tuyến lệ cần thận trọng và phải do bác sĩ chuyên khoa mắt giàu kinh nghiệm thực hiện. Đây là việc đòi hỏi phải rất nhẹ nhàng và tinh tế. Nếu người thông thiếu kinh nghiệm có thể gây trợt loét niêm mạc ống, gây dính ống lệ đạo, không những không có tác dụng thông chữa bệnh mà còn khiến việc điều trị về sau khó hơn.
“Có nhiều trẻ được thông quá nhiều lần không khỏi, ống dẫn tuyến lệ bị trợt loét, tổn thương, không thể thông tiếp, phải đợi đến lúc trẻ lớn phẫu thuật bằng phương pháp khác. Đối với trẻ, không bao giờ nên thông lệ đạo quá 3 lần”, bác sĩ Sơn nói. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi do người nhà bệnh nhân hay sốt ruột, muốn con nhanh khỏi, cộng với việc nhiều bác sĩ vội vàng, thiếu kinh nghiệm không hỏi và giải thích rõ cho bệnh nhân, chỉ cần thấy tắc là thông.
Theo bác sĩ Sơn, đầu tiên, để chẩn đoán tắc tuyến lệ, cần bơm thăm dò, đánh giá xem tắc ở đâu, sau đó mới đưa ra hướng khắc phục. Nếu cứ đè ra thông nhiều, có thể làm hỏng hệ thống dẫn nước mắt.
Bác sĩ cho biết, tại các nước phát triển, việc điều trị bảo tồn mắt trẻ là quan trọng nên thông thường, bố mẹ sẽ được hướng dẫn cách day mắt thông tuyến lệ. Việc này cần kiên trì, hàng ngày và khoảng 1-2 tháng sẽ khỏi. Nếu sau vài lần day mắt không hiệu quả thì phương pháp thông bằng dụng cụ mới được thực hiện. Cha mẹ có thể áp dụng kỹ thuật day, xoa nắn theo các bước sau:
– Đặt trẻ nằm, một tay giữ đầu trẻ. Dùng ngón trỏ của tay kia đặt lên góc trong mắt, hướng lên trên tạo với trục mắt một góc khoảng 10-15 độ. Ấn nhẹ đầu ngón trỏ, day ngược lên phía trên và về phía mắt để đẩy mủ trong túi lệ (nếu có) qua lệ quản ra ngoài.
– Dùng bông lau sạch mủ nhầy. Nhỏ 1-2 giọt kháng sinh vào túi kết mạc, chờ 1-2 phút, sau đó đặt lại đầu ngón trỏ vào vị trí cũ, ấn một áp lực vừa phải và miết dọc xuống dưới về phía cạnh mũi, lặp lại thao tác này 10-15 lần.
Các bước này nên thực hiện mỗi ngày 3 lần, sau một tháng không khỏi thì cần đưa trẻ đi khám lại để bác sĩ tư vấn cách điều trị thích hợp.
Theo bác sĩ Lê Việt Sơn, dấu hiệu chảy nước mắt trẻ có thể do nhiều nguyên nhân như quặm bẩm sinh, thiên đầu thống bẩm sinh, viêm nhiễm vùng mi kết mạc… vì thế khi thấy mắt trẻ có biểu hiện bất thường cần đưa đi khám ở cơ sở chuyên khoa mắt. Nhiều bố mẹ tự ý mua thuốc kháng sinh nhỏ cho con là điều không nên. Không phải loại thuốc kháng sinh nào cũng sử dụng được cho trẻ nhỏ. Việc sử dụng tùy tiện có thể rất nguy hiểm.
Nếu trẻ bị tắc tuyến lệ, cần được điều trị sớm, trẻ lớn quá sẽ bất lợi vì việc day mắt kém hiệu quả, việc thực hiện kỹ thuật thông cũng khó khăn hơn do các bé hay giãy giụa. Nếu không được thông, mắt trẻ dễ viêm nhiễm, lại tạo tâm lý lo lắng cho bố mẹ.
Vương Linh