Chứng khó tiêu, hoặc rối loạn tiêu hóa, xảy ra khi bạn gặp khó khăn trong tiêu hóa thức ăn, có thể biểu hiện với một số triệu chứng bao gồm: đau bụng, cảm giác khó chịu hay đau rát ở vùng bụng trên. Có thể ngăn ngừa, điều trị chứng khó tiêu bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm cả việc thay đổi thói quen dinh dưỡng hàng ngày.
Uống đủ nước
Uống 6-8 ly nước mỗi ngày để giúp ngăn ngừa và điều trị chứng khó tiêu. Uống nước có thể giúp trung hòa axit do dạ dày tiết ra và đẩy axit đi xuống ruột, axit nhiều trong dạ dày dễ gây ra chứng trào ngược dạ dày thực quản. Nước cũng giúp hỗ trợ đào thải chất thải thực phẩm thông qua hệ thống tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và giảm khó chịu dạ dày do đầy hơi. Nên uống một ly nước trước và sau khi ăn, thay cho đồ uống chứa caffeine, do caffeine có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
Lựa chọn thực phẩm ít chất béo
Nên chọn thực phẩm ít chất béo, do thực phẩm nhiều chất béo rất khó tiêu hóa và có thể gây rối loạn dạ dày, ợ nóng và khó tiêu.
Nên ăn đồ hấp và hạn chế chất béo khi bị khó tiêu
Nên chọn thịt nạc và protein từ thịt gà, gà tây, cá; và nên chế biến thức ăn bằng hấp, nướng thay vì chiên trong dầu.
Nên chọn sữa ít chất béo thay vì các loại sữa nhiều chất béo, do sữa nhiều chất béo có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và gây kích ứng dạ dày.
Sử dụng gừng và tỏi
Mộtnghiên cứu năm 2011 được công bố trên Tạp chí chuyên ngành tiêu hóa “World Journal of Gastroenterology” cho thấy rằng gừng kích thích làm rỗng nhanh dạ dày ở những người có chứng khó tiêu chức năng, cũng có thể giúp giảm các triệu chứng đường tiêu hóa trên. Tỏi được khuyến cáo để điều trị các triệu chứng tiêu hóa do nhiều khí và đầy hơi.
Gừng chữa chứng khó tiêu
Với gừng bạn có thể ăn sống hoặc uống trà gừng pha với mật ong, không chỉ giúp làm giảm chứng đầy hơi, mà còn hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày, viêm loét rất tốt.
Ăn sữa chua giàu probiotic
Sữa chua là nguồn cung giàu probiotic, bao gồm các vi khuẩn có lợi hỗ trợ tốt cho sức khỏe tiêu hóa. Nên ăn các loại sữa chua không đường, vì nhiều sữa chua thương mại được bán trong các cửa hàng có hàm lượng đường cao, có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột. Nên ăn nhẹ sữa chua giữa các bữa ăn, hoặc dùng tráng miệng sau khi ăn tối để làm dịu dạ dày của bạn.
Bên cạnh đó còn có một số loại thực phẩm có khả năng làm giảm triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu khá hiệu quả như trà bạc hà, nước ép cà rốt, nước chanh hay rượu giấm táo…
Bạn có thể sử dụng một số phương pháp dân gian kèm theo như massage, chườm nóng vùng thượng vị…cũng có thể làm giảm nhanh hơn chứng đầy hơi.
Tuy nhiên, nếu chứng đầy bụng khó tiêu của bạn kéo dài và không thuyên giảm sau khi đã thay đổi lối sống và thay đổi thực phẩm, nên đi đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám và chẩn đoán, vì chứng khó tiêu có thể là chỉ điểm cho nhiều bệnh lý tiêu hóa phức tạp và nguy hiểm khác.
TS.BS. Lê Thanh Hải
(tham khảo Live Strong)