Gây ra những biến chứng gì?
Bệnh ĐTĐ, đặc biệt là ĐTĐ týp 2, gây ra cho người bệnh rất nhiều các biến chứng nặng nề, có những biến chứng gây tử vong và tàn phế suốt đời cho bệnh nhân.
Biến chứng trên thận: gây tiểu ra albumine, tổn thương các vi cầu thận và cuối cùng là suy thận mạn tính. Suy thận do ĐTĐ rất khó điều trị, ngay cả việc ghép thận thì tiên lượng thành công cũng rất hạn chế vì bệnh ĐTĐ vẫn tiếp tục diễn tiến trên bệnh nhân.
Hình chụp các tổn thương trên võng mạc khi bị võng mạc đái tháo đường
Nhiễm trùng bàn chân ĐTĐ: nếu không điều trị tốt sẽ gây hoại thư phải cắt cụt chi, thậm chí gây tử vong do nhiễm trùng huyết.
Tác hại trên tim mạch: kết hợp với những rối loạn trong chuyển hóa chất béo gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…
Gây rối loạn cương dương: biến chứng này làm giảm chất lượng cuộc sống và tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Mù lòa do tổn thương võng mạc
Bệnh võng mạc ĐTĐ ngày càng gia tăng ở các nước công nghiệp phát triển và tại Việt Nam, mức độ này tỉ lệ thuận với mức sống của nhân dân và mức độ mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng. Theo các tác giả Thụy Điển thì có đến 26,5% số ca bệnh ĐTĐ týp 2 dưới 70 tuổi bị tổn thương võng mạc và có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của BS. Trần Xuân Đài tại BV. Nhân Dân Gia Định thì tỉ lệ tổn thương võng mạc của bệnh nhân ĐTĐ là 39,28% tổng số bệnh nhân ĐTĐ. Một nghiên cứu khác của BS.Nguyễn Thị Tuyết Minh thực hiện trên 250 bệnh nhân tại phòng khám mắt BV. Chợ Rẫy thì có đến 25,2% số bệnh nhân ĐTĐ týp 2 bị tổn thương võng mạc. Trong đó, phần lớn bệnh nhân, tỉ lệ là 79,4% bị cả hai mắt.
Ở các nước phương tây, bệnh võng mạc do ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người dưới 65 tuổi, tỉ lệ mù trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2 là 2,3%. Trong khi đó ở Việt Nam thì tỉ lệ mù chung do viêm màng bồ đào và bệnh đáy mắt là 4.2%, xếp thứ 4 trong các nguyên nhân gây mù lòa. Hơn nữa, đục thủy tinh thể hay kết hợp với bệnh võng mạc do ĐTĐ làm cho bệnh nhân dễ bị mù lòa hơn.
Điều trị
Tổn thương võng mạc là một trong những biến chứng của bệnh ĐTĐ nên không chỉ điều trị tại mắt mà phải kết hợp điều trị hạ đường huyết, hạ huyết áp, điều chỉnh mỡ trong máu. Khi đã có tổn thương võng mạc, dù đường huyết đã xuống mức bình thường, bệnh võng mạc vẫn không ngừng tiến triển nên không thể bỏ qua việc tái khám mắt.
Bệnh nhân ĐTĐ phải được khám mắt ngay lúc phát hiện bệnh và tái khám định kỳ hàng năm.
Khi có tổn thương võng mạc, cần theo dõi sát hơn, có thể khám mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng tùy theo tổn thương thấy được trên hình chụp mạch máu đáy mắt huỳnh quang.
Điều trị tổn thương võng mạc bằng laser nhiều đợt giúp phòng ngừa mù lòa bằng cách ngăn chặn sự phát triển tân mạch gây xuất huyết trong mắt, giảm phù hoàng điểm. Vì phải điều trị lâu dài nên rất cần sự hợp tác và hiểu biết của bệnh nhân và thân nhân.
Khi bệnh đã nặng, xuất huyết và tăng sinh nhiều trong mắt, cần mổ làm sạch máu và tổ chức tăng sinh nhưng khả năng mù vẫn rất lớn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nên đi khám bệnh khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ khả năng ĐTĐ: mờ mắt, gầy sụt cân, tiểu nhiều, nhiễm trùng dai dẳng, ngứa da không trị được bằng các thuốc thông thường… với những bác sĩ có kinh nghiệm. Bạn sẽ được cho làm các xét nghiệm tầm soát bệnh ĐTĐ: định lượng đường trong máu, định lượng đường trong nước tiểu, nghiệm pháp dung nạp glucose…
Khi đã bị bệnh ĐTĐ, cần có chế độ ăn kiêng thich hợp được tư vấn bởi bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nội tiết. Cần phải sử dụng thuốc đều đặn để ổn định lượng đường trong máu, khám định kỳ về mắt tại các trung tâm chuyên khoa về bệnh võng mạc do ĐTĐ để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng về mắt, nhất là vào những năm thứ 5 trở đi sau khi xuất hiện bệnh ĐTĐ..
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
(Cố vấn BV. Quốc tế Minh Anh)