Khi đó, bên cạnh việc bảo vệ làn da thì mái tóc cũng là phần khiến phái đẹp phải đau đầu không kém, vì nếu không chăm sóc đúng cách thì những vấn đề như tóc cháy nắng, khô hay chẻ ngọn… là rất dễ xảy ra.
Truy “thủ phạm” khiến tóc nhanh lão hóa
Ngoài 30 tuổi, những dấu hiệu lão hóa của da và tóc càng rõ nét: da kém láng mịn, giảm độ căng, nhiều nếp nhăn, vết nám, tàn nhang ngày càng nhiều và đậm hơn. Tóc giảm độ láng bóng, xơ cứng, khô giòn và gãy rụng, hay bị rối, xuất hiện nhiều tóc bạc hơn…
Khi ra ngoài trời cần đội mũ nón để bảo vệ tóc
Nguyên nhân khiến tóc lão hóa dần là do: khi tuổi tác tăng lên thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể có dấu hiệu chậm lại. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng mái tóc. Thành phần chủ yếu của tóc là protein hay còn gọi là ketation phát triển thông qua những hạt trong sợi tóc hoặc từ trong da đầu. Lúc trẻ, có thể dễ dàng hấp thu một lượng lớn protein và sản xuất ra nhiều sợi tóc. Tuy nhiên, khi càng nhiều tuổi sẽ có một sự khác biệt trong sự tăng trưởng của tóc bởi số lượng protein cần để tạo ra sợi tóc đã giảm hẳn. Lúc này các dưỡng chất bổ dưỡng trong cơ thể truyền tải đến tận chân tóc ngày càng giảm dần, lượng máu lưu thông cũng bị hạn chế, vì vậy da đầu ngày càng trở nên thiếu sức sống, khô ráp, cằn cỗi. Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến những gốc tóc, khiến nó mất đi vẻ trẻ trung, tươi trẻ.
Thông thường chúng ta có sẵn một lớp màng tự nhiên để bảo vệ tóc và da đầu trước sự tác động của môi trường tự nhiên và kích thích tóc phát triển nhanh, bóng đẹp. Tuy nhiên ở một độ tuổi nhất định, lượng dầu mồ hôi và độ ẩm cần thiết trên da đầu sẽ bị hạn chế, kìm hãm khiến lớp màng bảo vệ này bị khô dần và cứng lại. Độ đàn hồi tự nhiên của nó vì thế cũng bị mất đi. Như vậy, da đầu và những sợi tóc sẽ không còn được bảo vệ, trở nên khô xơ và xuất hiện nhiều sợi tóc bạc hơn. Hơn nữa, càng lớn tuổi, lượng estrogen (hormon có vai trò chính quyết định vẻ nữ tính của phụ nữ) do cơ thể tự sản sinh ra càng ít dần. Những thay đổi cơ cấu thành phần hormon trong cơ thể khiến cho da đầu và mái tóc tiết ra một loại chất có hại, thúc đẩy nhanh hơn quá trình xuất hiện những sợi tóc bạc.
Hàng ngày mái tóc phải chịu đựng rất nhiều tác động có hại từ môi trường: gió, bụi, ánh nắng mặt trời… khiến tóc ngày càng xấu đi. Đồng thời, các yếu tố như thói quen chăm sóc tóc hàng ngày, lạm dụng thuốc uốn nhuộm, sấy tóc quá nóng… cũng là những nguyên nhân thúc đẩy nhanh hơn quá trình lão hóa tóc, khiến tóc mất đi khả năng chịu đựng tự nhiên, trở nên yếu và gãy rụng.
Tóc cần được chống nắng đúng cách
Để bảo vệ tóc thì nên thực hiện các giải pháp sau đây:
Chống nắng cho da đầu và tóc: Việc đứng dưới ánh nắng trong thời gian, đặc biệt là khi da đầu bị ướt do nước biển hay nước từ hồ bơi rất dễ khiến da đầu bị cháy nắng và đỏ ửng lên. Vì vậy nên đội mũ rộng vành để che nắng cho tóc.
Xả tóc bằng nước sạch trước khi bơi: Một kẻ thù nữa của tóc là chất clo có trong nước bể bơi. Cách đơn giản nhất để giảm tác động của clo tới tóc là trước khi xuống bơi nên xả qua tóc bằng nước sạch, giúp các nang tóc nở ra và ngậm đầy nước, giảm thiểu lượng clo ngấm vào tóc khi bơi.
Gội lại tóc với baking soda: Sau khi từ bể bơi lên, bạn cần xả sạch lại tóc sớm nhất có thể để tránh clo có thời gian ngấm vào các nang tóc và da đầu. Có một công thức rất hiệu quả cho bạn đó là trộn 1 thìa canh bột baking soda với dầu gội và gội lại tóc.
Để tóc khô tự nhiên: Nếu có thể, thay vì dùng máy sấy, hãy kiên nhẫn để tóc khô tự nhiên. Máy sấy tuy tiện lợi nhưng lại dễ dàng làm tóc bị khô, gãy và hư tổn nếu không được sử dụng đúng cách. Hàng ngày bạn nên sử dụng các loại dầu dưỡng và chăm sóc có các thành phần chất bảo vệ cần thiết như cung cấp độ ẩm, chất bảo vệ tia UV. Tạo thói quen hấp dầu 1 lần/1 tuần để cung cấp trực tiếp các chất dinh dưỡng cần thiết cho tóc.
Xịt chống nắng cho tóc: Bạn không nên chỉ chống nắng cho da mà quên đi việc bảo vệ tóc trước ánh nắng, các tia UV và nhiệt độ cao từ mặt trời. Giải pháp cho bạn chính là các loại xịt chống nắng dành riêng cho tóc với khả năng chống lại tia UV giúp bảo vệ tóc khỏi các dấu hiệu hư tổn mà không gây nhờn dính.
Bí quyết cho mái tóc khỏe
Không gội đầu quá nhiều: Sau mỗi lần gội, da đầu cần từ 48-54 giờ để hồi phục. Khi gội đầu quá nhiều (ngày gội vài lần hoặc ngày nào cũng gội) và sử dụng quá nhiều dầu gội, bạn sẽ làm lớp dầu trên da đầu bị mất đi, lớp bảo vệ chân tóc bị ảnh hưởng khiến tóc dễ rụng và gãy hơn.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như vitamin B2 có trong sữa, thịt, gan, bánh mì giúp mái tóc khỏe mạnh; vitamin B5 có trong thịt gà, cam, lòng đỏ trứng gà… có tác dụng nuôi dưỡng tóc; đặc biệt là vitamin B3 có trong men bia, cá, đậu vì đây là thành phần chất quan trọng, nếu thiếu nó tóc sẽ bạc đi với tốc độ nhanh. Thường xuyên uống sữa và ăn các sản phẩm chế biến từ bơ sữa để tóc được cung cấp lượng dinh dưỡng tối ưu.
Loại thức ăn tốt nhất cho tóc bao gồm các loại thức ăn thô có trong tự nhiên, đảm bảo cung cấp các chất cần thiết cho sự phát triển của tóc. Ăn thêm nhiều rau tươi: Các loại rau như cải xanh, củ cải đường, bí đao, súp lơ xanh, cà rốt… và các loại rau thơm như lá bạc hà xanh, rau húng đều là các nguồn cung cấp dinh dưỡng lý tưởng cho mái tóc. Nên ăn dừa nạo và uống nước quả dừa non. Nước dừa không chỉ là một loại thức uống ngon và bổ dưỡng, nó còn có khả năng cung cấp những chất dinh dưỡng tốt nhất cho tóc đồng thời có chứa một loại dầu ngăn chặn hiện tượng khô của tóc và da đầu.
BS. Xuân Hoàng