Tĩnh công với bệnh sỏi tiết niệu
Tĩnh công nghĩa là khi luyện công cơ thể hoàn toàn bất động. Nói là cơ thể bất động nhưng kỳ thực khi luyện tập, tạng phủ kinh lạc bên trong lại vận động rất mạnh mẽ, cho nên tĩnh công trên thực tế là ngoại tình nội động. Để phòng chống bệnh sỏi mật và sỏi tiết niệu, có thể kiên trì tập luyện đơn giản như sau:
Chọn tư thế nằm nghiêng, nếu đau nhiều hạ sườn phải nên tránh nằm nghiêng về bên phải. Tâm tĩnh, hai mắt nhắm hờ, đầu hơi cúi về trước, cột sống cong nhẹ ra sau. Tay ở dưới gấp lại tự nhiên, năm ngón tay duỗi, lòng bàn tay hướng lên, đặt trên gối, trước tai. Tay ở trên duỗi thẳng tự nhiên, năm ngón tay xòe ra và thả lỏng, lòng bàn tay hướng xuống, đặt trên vùng hông cùng bên, chân ở trên hơi gấp, chân ở dưới duỗi thẳng, hai đùi chồng lên nhau, hai gối sát vào nhau. Tập trung ý nghĩ vào vùng túi mật hoặc đan điền. Thở bằng mũi, đầu tiên hít vào nhẹ đều liên tục, sau đó từ từ thở ra nhẹ đều liên tục, rồi lại tiếp tục chu trình như vậy trong thời gian 30-60 phút. Sau khi bệnh tình chuyển biến tốt thì chuyển sang tư thế ngồi. Mỗi ngày luyện công 2-4 lần.
Tập luyện trị bệnh sỏi tiết niệu
Lần lượt thực hành các động tác sau đây:
Đẩy bụng (thôi phúc). Chọn tư thế nằm ngửa. Lấy hai bàn tay đặt chồng lên nhau, tay trái ở dưới, tay phải ở trên, ấn vào huyệt Trung quản (lấy ở điểm giữa của đoạn nối rối và điểm gặp nhau của hai bờ sườn, trên rốn 4 thốn). Khi thở ra, hai tay từ trung quản đẩy thẳng đến khớp xương mu. Làm như vậy 36 lần.
Nặn rốn, xoa bóp bụng. Tìm huyệt lao cung bàn tay phải (nắm chặt các ngón tay, huyệt ở trên đường vân tim của gan bàn tay, nơi khe của ngón giữa và ngón vô danh chấm vào đường vân này), đặt trên rốn rồi thuận theo chiều kim đồng hồ, xoay chuyển và xoa bóp 36 lần. Sau đó lấy rốn làm trung tâm, nhẹ nhàng hướng ngược chiều kim đồng hồ xoay chuyển và xoa bóp bụng 36 lần.
Cũng dùng thủ pháp như trên dùng huyệt lao cung tay trái ấn vào đan điền rồi thuận theo chiều kim đồng hồ xoay chuyển và xoa bóp bụng 36 lần.
Dùng ô mô út (tiểu ngư tế) ấn hai bên bụng dưới, ấn đẩy 36 lần.
Chuyển tư thế ngồi. Hai bàn tay xát vào nhau tới nóng rồi đặt lên hai bên xương cùng, xát lên xuống nhiều lần sao cho vùng này nóng lên là được.
Tiếp theo, lấy bốn ngón tay bàn tay trái: ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn và ngón út khép lại, dùng mặt các ngón tay, từ phía đầu gối trái mé trong ấn đẩy tới gốc đùi 300 lần. Sau đó, lại dùng bốn ngón tay tương tự của bàn tay phải làm theo cách như trên, ấn đẩy mé trong đùi phải 300 lần.
Cuối cùng, nằm ngửa trên giường, hai đầu gối gấp hướng về phía ngực bụng, mười ngón tay giao nhau úp vào đầu gối, trước sau từ từ day xoa vùng bụng, đồng thời hít vào sâu sau đó từ từ thở ra bằng mũi. Làm như vậy 24 lần.
Trên đây là những phương pháp tập luyện đều rất đơn giản, dễ học, dễ làm và không tốn kém. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất rất cần việc thực hành đúng cách, đều đặn và kiên trì.
Chế độ ăn uống với bệnh sỏi tiết niệu:
Nên uống nhiều nước lọc mỗi ngày hoặc ăn uống làm sao để có lượng nước tiểu đạt trên 2-2,5 lít/ ngày; Ăn ít thực phẩm chứa nhiều muối, ăn ít các loại thịt động vật; Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý với thực phẩm chứa calci như sữa, phômai; Không nên kiêng cữ quá mức sẽ gây ra mất cân bằng trong việc hấp thu calci, khiến cơ thể hấp thu nhiều hơn oxalate từ ruột và sẽ tạo sỏi niệu, ngoài ra kiêng cữ thực phẩm chứa calci sẽ bị bệnh loãng xương… Có thể dùng các sản phẩm từ sữa như bơ, phômai hoặc khoảng 400- 600ml sữa tươi/ngày.
Kiêng cữ thực phẩm chứa nhiều oxalate như trà đặc, bột cám, ngũ cốc, rau muống, sôcôla, cà phê… Nên uống nhiều nước cam, nước chanh tươi, nước bưởi: những loại thức uống này chứa nhiều citrat giúp chống lại sự tạo sỏi niệu. Nên ăn nhiều rau tươi có chất xơ: giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi niệu.
Các thực phẩm chứa chất purine gây sỏi niệu là cá khô, thịt khô, mực – tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò…
Cuối cùng điều quan trọng là bạn cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và phát hiện các yếu tố nguy cơ.
ThS.BS. Thanh Trà