(Nguyễn Văn Tây – Tiền Giang)
Khi vận động, cơ thể sẽ cần nhiều dưỡng khí hơn bình thường, cơ thể đáp ứng bằng cách tăng lượng máu bơm vào hệ tuần hoàn qua việc tăng số lần co bóp của tim (tăng nhịp tim) và tăng thể tích bơm máu của buồng tim. Khi nhịp tim tăng lên sẽ làm cho vận động viên không còn tinh vi trong hoạt động nên họ phải luôn tập luyện để chịu đựng được cường độ hoạt động thể lực cao mà nhịp tim chỉ tăng lên ở mức độ chấp nhận được.
Với sự luyện tập thể thao cơ thể sẽ thích nghi bằng cách làm tim to ra để chúng bóp khỏe hơn (đường kính các buồng tim tăng lên và bề dày của thành tim lớn ra), ngoài ra còn có sự thay đổi cấu trúc của tim và một số thì lại có to thất trái. Tuy nhiên sự đáp ứng này là hoàn toàn lành tính, không hề gây một hậu quả nào về biến cố tim mạch. Mức độ to ra của tim tùy thuộc vào môn thể thao, to nhiều nhất ở vận động viên các môn chèo thuyền, trượt tuyết, đua xe đạp, bơi lội và ít nhất ở các môn có tính chịu đựng như cử tạ, đấu vật. Khi đo điện tâm đồ thông thường trong khi luyện tập sẽ có khoảng 40% vận động viên có bất thường (tăng điện thế, bất thường sóng Q, bất thường tái cực) dù họ không có bệnh lý tim mạch. Vận động viên trong lúc luyện tập qua việc mang máy theo dõi liên tục (holter) cũng thấy họ có những rối loạn nhịp tim (từ loại nhịp chậm đến loại nhịp nhanh) nhưng không nguy hiểm.
Phân biệt đâu là bệnh lý tim mạch thật sự và đâu là những đáp ứng sinh lý của tim thì rất khó khăn cho các nhà chuyên môn. Nếu quá khắt khe hoặc xác định sai thì dẫn đến sự hạn chế không cần thiết cho các vận động viên (phung phí tài năng và tiền của), còn bỏ sót bệnh lý sẽ đưa đến những trường hợp đột tử trong tập luyện và thi đấu.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ