Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thừa cân, béo phì được xác định thông qua việc tính chỉ số khối cơ thể (BMI).
Chỉ số khối cơ thể của một người tính bằng cân nặng của người đó (kg) chia cho bình phương chiều cao (đo theo mét hoặc centimet).
Lạm dụng đồ ăn nhanh là một trong những yếu tố gây béo phì.
Các yếu tố nguy cơ gây thừa cân, béo phì
Mọi người ở tất cả các độ tuổi đều có nguy cơ bị béo phì, tuy nhiên có vài thời điểm trong cuộc đời nguy cơ đó tăng cao hơn và có sự khác biệt giữa nam và nữ.
Ở trẻ em: Những trẻ béo phì khi dưới 3 tuổi ít nguy cơ bị béo phì khi trưởng thành hơn, trừ trường hợp bố hoặc mẹ bị béo phì. Nếu sau 3 tuổi trẻ còn bị béo phì thì nguy cơ béo phì khi lớn lên sẽ tăng và không phụ thuộc vào việc bố mẹ có béo phì hay không.
Suy dinh dưỡng thể thấp chiều cao theo tuổi ở thời kỳ thơ ấu có mối liên quan thuận chiều với thừa cân/béo phì, đặc biệt là béo phì kiểu quả táo (béo bụng) và tăng huyết áp khi lớn. Những trẻ em có cân nặng khi sinh dưới 2.500g và cân nặng lúc 1 tuổi dưới 8kg thì về sau mỡ có khuynh hướng tập trung ở bụng.
Ở độ tuổi thiếu niên: Béo phì ở thời kỳ này liên quan trực tiếp với béo phì khi trưởng thành. Hơn nữa, nếu có béo phì ở độ tuổi này thì nguy cơ mắc các biến cố bất lợi về sức khỏe càng tăng.
Ở thời kỳ trưởng thành:
Đối với phụ nữ trưởng thành: Theo nghiên cứu, hầu hết phụ nữ tăng cân sau độ tuổi dậy thì. Tăng cân trong thời kỳ mang thai ở một số người sẽ tăng cân rất nhiều trong thời kỳ này, có thể tới 50kg. Ngoài ra, thời kỳ mãn kinh cũng có nguy cơ khiến phụ nữ tăng cân và thay đổi dự trữ mỡ thường xảy ra ở thời kỳ mãn kinh.
Đối với nam giới trưởng thành: Sự thay đổi từ thói quen tăng hoạt động ở tuổi trẻ sang thói quen giảm hoạt động hơn khi trưởng thành sẽ làm tăng nguy cơ béo phì ở người nam giới trưởng thành. Cân nặng thường tăng nhanh trước tuổi 60, sau 55-64 tuổi, cân nặng có thể ổn định, sau đó giảm dần.
Thói quen ăn uống không hợp lý: Đây là yếu tố nguy cơ cao gây béo phì, trong đó, ăn quá nhiều hoặc kìm chế ăn uống: rất nhiều người nhận thức rõ về giới hạn lượng thức ăn ăn vào, tuy nhiên ăn quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng, hậu quả dẫn đến béo phì. Thường xuyên ăn: số lượng bữa ăn trong ngày cũng liên quan với béo phì, ăn sáng lại là một yếu tố giảm nguy cơ béo phì.
Chế độ ăn giàu chất béo cũng liên quan với béo phì. Ngoài ra gene cũng là một yếu tố kết hợp với thành phần bữa ăn. Ăn thức ăn nhanh: ăn nhiều thức ăn nhanh cũng là yếu tố nguy cơ của béo phì và đái tháo đường týp 2. Ăn vào bữa ban đêm: ăn đêm được định nghĩa là những người ăn ít nhất 25% (thường là trên 50%) năng lượng giữa bữa tối và bữa sáng hôm sau. Chứng nghiện ăn: là một bệnh tâm lý, không thể kiểm soát được việc ăn uống, thường vào buổi tối. Bệnh nhân thường sẽ đáp ứng với thuốc điều trị điều hòa hấp thu serotonin.
Luyện tập thể thao: Là yếu tố hết sức quan trọng đối với tình trạng thừa cân và béo phì, tham gia quá trình thiết lập cân bằng giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng ăn vào. Mặt khác, hoạt động thể lực còn giúp cơ thể chuyển hóa tích cực, làm cho khối cơ săn chắc và ít tạo mỡ thừa. Nguy cơ béo phì tăng lên do giảm hoạt động thể lực.
Mất ngủ: Theo nghiên cứu, những người ngủ ít hơn 7 tiếng/ ngày ở Mỹ tăng từ 16 lên 37% trong vòng 40 năm qua, những thay đổi về thói quen sinh hoạt đó ảnh hưởng tiêu cực tới chuyển hóa của cơ thể. Khi so sánh những người ngủ hạn chế với ngủ thoải mái, thì lượng leptin huyết thanh (một hormon chán ăn) giảm và tăng ghrelin huyết thanh (một hormon kích thích ăn), và cảm thấy nhanh đói hơn, ăn ngon miệng hơn.
Bỏ hút thuốc: Bỏ hút thuốc lá thường gắn liền với tăng cân, điều này xảy ra là do hội chứng cai nicotin sau khi ngừng hút thuốc. Và đối với một số người, nó có thể dẫn đến tăng cân nhiều, đôi khi có thể dẫn đến béo phì
Béo phì do thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây béo phì trong đó, có thuốc chống loạn thần: Các thuốc chống loạn thần có tác dụng khác nhau tới béo phì, thường là các thuốc thế hệ 1 có thể khiến bệnh nhân tăng cân sau 10 tuần điều trị.
Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống trầm cảm thế hệ mới đều có tác dụng khác nhau gây tăng cân.
Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể dẫn đến béo phì. Gene có thể ảnh hưởng đến lưu trữ lượng mỡ cơ thể và hợp chất béo được phân phối. Các thói quen như ăn quá nhiều cơm (trên 3 bát/bữa), ăn nhiều vào bữa tối, thích ăn thức ăn ngọt (đường mật, bánh kẹo, nước ngọt..), thích ăn các món ăn xào rán, thức ăn chứa nhiều chất béo, ăn thêm bữa phụ (snack) giàu béo, ăn với tốc độ quá nhanh… là những con đường đưa tới béo phì.
ThS. Trường Giang