Theo dự báo của Hội Tim mạch Việt Nam, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Tỷ lệ tăng huyết áp ở những người từ 25 tuổi trở lên chiếm 25,1%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa, tỷ lệ tiền tăng huyết áp cũng gia tăng nhanh chóng.
Tiền tăng huyết áp (HA) ảnh hưởng đến 25-50% người trưởng thành trên toàn thế giới và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng HA thực sự. Nếu bạn được thông báo có tiền tăng HA, có nghĩa là số đo HA của bạn cao hơn “bình thường”, nhưng không đủ cao để chẩn đoán xác định bệnh tăng HA theo tiêu chuẩn chẩn đoán. Như tên gọi của nó, những bệnh nhân có tiền tăng HA có nguy cơ đặc biệt phát triển thành bệnh tăng HA thực sự trong một tương lai gần. Cả hai tình trạng, tiền tăng HA và tăng HA đều làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy tim.
Tiền tăng huyết áp là gì?
Huyết áp có hai con số: HA tâm thu và HA tâm trương. HA bình thường: khi HA tâm thu thấp hơn 120mmHg và HA tâm trương dưới 80mmHg. Tăng HA: HA tâm thu trên 140mmHg và/hoặc HA tâm trương trên 90mmHg. Tiền tăng HA: huyết áp nằm giữa bình thường và tăng HA, cụ thể tiền tăng HA khi HA tâm thu 120-139mmHg và/ hoặc HA tâm trương 80-89mmHg.
Nguyên nhân
Bất kỳ yếu tố nào làm tăng áp lực đối với thành động mạch có thể dẫn đến tiền tăng HA. Xơ vữa động mạch, sự tích tụ mỡ trong thành động mạch có thể dẫn đến HA tăng. Một số rối loạn hoặc bệnh lý có thể dẫn đến tiền tăng HA hoặc tăng HA, bao gồm: xơ vữa động mạch; khó thở khi ngủ; bệnh thận; bệnh thượng thận; bệnh tuyến giáp. Một số loại thuốc – bao gồm thuốc ngừa thai, thuốc chữa cảm, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau, cocain và chất kích thích cùng một số thuốc khác – cũng có thể gây ra HA tăng tạm thời. Tuy nhiên, đa số HA tăng dần dần qua nhiều năm và xuất hiện tiền tăng HA mà không có một nguyên nhân cụ thể nào.
Cần đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm bệnh.
Các yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ cho tiền tăng HA bao gồm: thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ chính; tuổi tác: những người trẻ tuổi có nhiều khả năng có tiền tăng HA hơn những người lớn tuổi; giới tính: tiền tăng HA là phổ biến hơn ở nam so với nữ; chủng tộc: HA cao đặc biệt phổ biến ở người da đen, thường phát triển ở độ tuổi sớm hơn so với người da trắng; HA tăng có xu hướng mang tính gia đình; ít vận động cơ thể: không tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ tiền tăng HA và béo phì; chế độ ăn nhiều muối (natri) hoặc thấp kali; hút thuốc lá và hút thuốc thụ động; uống quá nhiều rượu; một số bệnh mạn tính bao gồm bệnh thận, bệnh đái tháo đường… có thể làm tăng nguy cơ tiền tăng HA.
Điều trị và phòng ngừa
Khi HA tăng hơn phạm vi “bình thường” (dưới 120/80 mmHg), nguy cơ tim mạch bắt đầu tăng lên, và càng tăng HA thì càng tăng nguy cơ. Nếu bạn đang khỏe mạnh, khuyến cáo hiện nay để điều trị tiền tăng HA chủ yếu tập trung vào thay đổi lối sống.
Tuy nhiên, nếu bạn có tiền tăng HA và đang có bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn tính, đã có đủ bằng chứng lâm sàng cho thấy điều trị tích cực tiền tăng HA giúp cải thiện kết quả – vì vậy điều trị bằng thuốc hạ HA thường được đề nghị, với mục tiêu giảm HA của bạn xuống đến mức bình thường.
Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn kiểm soát tiền tăng HA với những thay đổi lối sống, cụ thể như sau:
Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh: Thừa cân, béo phì có thể gây gián đoạn hơi thở trong khi ngủ và làm tăng HA của bạn. Giảm cân là một trong những thay đổi lối sống có hiệu quả nhất để kiểm soát HA. Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23 và trên 18,5 (dành cho người châu Á). Nếu chỉ số BMI của bạn trên 23 là thừa cân và trên 25 là béo phì. Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: đàn ông dưới hoặc bằng 90cm và phụ nữ dưới hoặc bằng 80cm theo chuẩn người châu Á.
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên, ít nhất là 30 phút hầu hết các ngày trong tuần có thể làm giảm HA của bạn từ 4-9mmHg. Nếu bạn có tiền tăng HA, tập thể dục có thể giúp bạn tránh bệnh tăng HA thực sự. Các môn tập thể dục tốt nhất để làm giảm HA bao gồm đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội hoặc khiêu vũ. Nếu không có 30 phút liên tục để tập thể dục thì có thể tập 10-15 phút/lần, vài lần mỗi ngày.
Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa ít chất béo và chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm HA của bạn lên tới 14mmHg. Bổ sung thêm kali bằng cách ăn 3-5 trái chuối chín hàng ngày.
Giảm natri (muối) trong chế độ ăn uống: Chỉ cần giảm chút ít natri trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm HA từ 2-8mmHg. Hạn chế lượng muối dưới 2.300mg (tương đương 1 muỗng cà phê muối) mỗi ngày. Ít ăn thực phẩm chế biến và đóng hộp.
Hạn chế uống rượu bia: Nghiên cứu cho thấy, uống khoảng 1 ly rượu vang đỏ mỗi ngày thì nguy cơ tăng HA có thể thấp hơn bởi vì rượu vang đỏ có chứa chất resveratrol, được cho là có tác dụng bảo vệ tim và não. Không nên uống rượu bia nhiều hơn quy định.
Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng HA của bạn trong nhiều phút sau hút xong.
Giảm stress: Stress mạn tính đóng góp quan trọng đối với tiền tăng HA và bệnh tăng HA. Tránh và giải quyết dứt điểm bất cứ điều gì gây nên stress là cách tốt nhất. Thử tập yoga, thiền khi bị stress sẽ cho kết quả khả quan hơn.
Tiền tăng HA thường không biểu hiện thành triệu chứng. Cách duy nhất để phát hiện tiền tăng HA là theo dõi HA của bạn. Nếu bạn có tiền tăng HA thì nguy cơ phát triển bệnh tăng HA thực sự là rất cao. Vì vậy, bạn nên chắc chắn rằng HA của bạn được kiểm tra ít nhất 6 tháng một lần. Khi phát hiện có tiền tăng HA, điều chỉnh lối sống vẫn là chiến lược tối ưu và hiệu quả hiện nay.
TS.BS. Lê Thanh Hải