Dùng trong
Cây và vị thuốc thổ phục linh
Dạng thuốc nước:
– Tang ký sinh, dây chiều, kê huyết đằng, đan sâm, xích thược, thục địa, thổ phục linh, thiên niên kiện, độc hoạt, khương hoạt, đỗ trọng, mỗi vị 12g; ngưu tất 10g; đảng sâm 20g; hoài sơn 16g; nhục quế 6g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
– Rễ cây xấu hổ, thái thành lát mỏng, phơi khô, sao qua, tẩm rượu rồi sao vàng, 20-30g, sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với rễ cúc tần, rễ bưởi bung, mỗi vị 20g; rễ đinh lăng và cam thảo dây, mỗi vị 10g; cũng sắc uống.
Hoặc rễ xấu hổ 10g; thân lá cối xay, rau muống biển, lạc tiên, rễ cỏ xước, lá lốt, mỗi vị 3g. Tất cả phơi khô, hãm hoặc sắc uống.
– Quả sau sau, hoa thông hoặc lõi cây thông (tùng tiết) mỗi vị 20g. Sắc uống.
Dạng thuốc rượu:
Thịt rắn của 3 loại hổ mang, cạp nong hay cạp nia và rắn ráo, lau khô bằng giấy bản (không rửa nước vì sẽ làm thịt có mùi tanh), chặt thành từng khúc, tẩm rượu gừng, nướng cho vàng thơm. Giã nhỏ, ngâm rượu theo tỷ lệ một phần thịt rắn với 3 phần rượu 40o trong 15-20 ngày, càng lâu càng tốt. Có nơi người ta còn chôn cả bình rượu rắn xuống đất để hàng năm mới dùng. Mỗi ngày uống 20ml sau bữa ăn chiều. Có thể ngâm thịt rắn với các vị thuốc có nguồn gốc thực vật như ngũ gia bì, hà thủ ô, kê huyết đằng, thiên niên kiện (tác dụng bổ, mạnh gân xương), hồi hoặc quế (làm thơm và thêm nóng). Có khi còn ngâm 3 loại rắn với hải sâm để tăng cường sinh lực như “rượu tam xà – hải sâm” của Viện công nghệ sinh học thuộc Trung tâm khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia.
Để giản đơn và tăng phần hấp dẫn, người ta thường để nguyên cả 3 con rắn (đã bỏ nọc độc) ngâm rượu trong thời gian dài mà uống. Rượu ngũ xà (hổ mang, cạp nong, hổ trâu, rắn ráo và rắn sọc dưa) ngâm với chim bìm bịp cũng có tác dụng như rượu tam xà.
Có thể dùng tắc kè 24g, ngâm với trần bì 3g, đại hồi 1g, trong rượu 35o để được 300ml. Các dược liệu khác: đảng sâm 40g, huyết giác 3g cũng ngâm với rượu 35o trong 10-15 ngày được 700ml. Hòa lẫn hai rượu với nhau, thêm 60g đường kính (đã nấu thành sirô) để thành 1 lít. Lọc kỹ. Ngày uống hai lần, mỗi lần 15-20ml sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
Dùng ngoài
Dạng tinh dầu: Tinh dầu thu được bằng cất kéo hơi nước của các cây tràm, bạch đàn, khuynh diệp (từ lá), thiên niên kiện (thân rễ), dầu nóng (vỏ thân), chổi xuể (cả cây) được dùng nguyên chất hoặc pha loãng trong cồn với tỷ lệ 10-20%. Các tinh dầu lại có thể phối hợp với nhau thành một hỗn hợp gọi là cao xoa nước như: dầu chổi gồm tinh dầu chổi 70ml, tinh dầu tràm 20ml, dầu lạc 10ml; dầu Cửu Long gồm tinh dầu hương nhu 25ml, tinh dầu bạc hà 235ml, tinh dầu khuynh diệp hay tràm 90ml, dầu lạc 650ml.
Khi dùng, lấy tăm bông hay miếng gạc tẩm thuốc, xoa đều lên chỗ đau nhức rồi nắn bóp. Ngày làm 2-3 lần.
Dạng rượu thuốc hoặc cồn thuốc: Có 2 loại: Rượu thuốc đơn có một loại dược liệu và rượu thuốc kép có nhiều dược liệu. Dung môi để pha chế rượu thuốc hoặc cồn thuốc là cồn ethylic với độ cồn thường là 70-90o tùy theo từng loại dược liệu. Thời gian ngâm là 7-10 ngày, lâu hơn càng tốt.
Có thể chế rượu thuốc đơn với các dược liệu như rễ ô đầu, rết, mật gấu (tỷ lệ 10%), vỏ cây dầu nóng, lá thông tươi, rễ kim sương, thân rễ sa nhân (20%).
Rượu thuốc kép lại được bào chế theo công thức sau:
– Huyết giác 40g, địa liền 20g, thiên niên kiện 20g, bột long não 15g, đại hồi 12g, quế chi 12g, cồn 70o vừa đủ 1.000ml.
– Hoa thanh hao 60g, địa liền 20g, bột long não 10g, cồn vừa đủ 1.000ml.
Cách dùng như dạng tinh dầu.
Dạng cao dán: Nhựa sau sau, nhựa thông, mỗi thứ 40g; sáp ong, dầu vừng, mỗi thứ 10g. Đun chảy và đánh đều, để nguội, phết lên giấy, rồi dán vào chỗ đau.
Hoặc củ ráy dại, nghệ già, hạt gấc (bỏ vỏ cứng), gai bồ kết, mỗi thứ 100g; quả bồ kết 200g; tùng hương 100g; hồng đơn 50g; dầu vừng 500g. Củ ráy, nghệ, hạt gấc thái mỏng, ngâm vào dầu 5 ngày rồi rán cho dược liệu cháy xém, vớt bỏ bã, lọc qua vải; sau đó tiếp tục đun đến khi dầu sánh đặc. Cho tùng hương vào dầu, quấy cho tan đều. Cuối cùng, hòa bột gai bồ kết, quả bồ kết sao tồn tính và bột hồng đơn đã rang khô vào, đánh thật nhuyễn. Trong lúc cao còn đang nóng, phết lên giấy hay vải mỗi miếng độ 5g. Khi dùng, dán cao vào chỗ đau nhức.
TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích