Thuốc Nam chữa bệnh hay gặp mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho virut, vi khuẩn, ký sinh trùng phát sinh gây nhiều bệnh. Mặt khác, lúc này sức đề kháng của cơ thể chưa đáp ứng kịp thời, nhất là người già và trẻ em nên dễ mắc các bệnh cảm nắng, ngứa lở ngoài da, tiêu chảy… Sau đây là một số bài thuốc Nam đơn giản dễ kiếm chữa trị các chứng bệnh này, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng.

Cảm nắng (cảm thử)

Người bệnh mồ hôi ra nhiều, hoa mắt, chóng mặt, người chao đảo, buồn nôn và nôn, toàn thân mệt lả, mạch nhanh, huyết áp hơi thấp, trường hợp nặng có thể bị ngất. Dùng một trong các bài:

Bài 1: phòng sâm 16g, đương quy 16g, cẩu tích 12g, biển đậu 16g, hương nhu 16g, sa nhân (sao đen) 16g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 16g, trần bì 12g, sơn thù 12g, hoài sơn 16g, quế 8g, mẫu lệ 16g, lá dâu làm thang 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: mẫu lệ chế 16g, cát căn 16g, đậu đen (sao thơm) 30g, lá mít 16g; khoai lang thái lát, phơi khô sao vàng 30g; hoài sơn 16g, liên nhục 12g, mạch môn 16g, đương quy 16g, bạch truật (sao hoàng thổ) 16g, cam thảo 12g, quế 10g, sinh khương 4g, tang diệp 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: biển đậu (sao vàng) 16g, hương nhu 16g, cát căn 20g, mẫu lệ chế 16g, hoàng kỳ 16g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, thương truật 16g, quế 10g, sơn thù 12g, mạch môn 16g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thảo quả trị tiêu chảy do hư hàn.

Tiêu chảy

Do ngộ độc thức ăn: Người bệnh đau bụng từng cơn, bụng trướng. Mức độ đau tăng dần, có thể có nôn, tiếp đến là đi ngoài nhiều lần, phân lổn nhổn, phân lỏng. Dùng một trong các bài:

Bài 1: lá nhót (sao vàng hạ thổ) 20g, hoàng đằng 12g, lá khổ sâm 20g, lá ổi 20g, lá đinh lăng (sao vàng) 20g, biển đậu 16g, kim ngân 20g, trần bì 10g, sinh khương 4g, hoài sơn 16g, tất bát 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: bạch biển đậu 16g, bạch truật 16g, lá ổi 20g, cỏ sữa to lá 20g, hoàng liên 10g, hậu phác 12g, trần bì 10g, lá khổ sâm 20g, sinh khương 4g, cao lương khương 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Do tỳ vị hư hàn: Người bệnh bụng đau ậm ạch, tiêu hóa chậm, phân lỏng, cơ thể suy nhược dần. Dùng một trong các bài:

Bài 1: phòng sâm 16g, bạch linh 12g, bạch truật 16g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, cao lương khương 12g, thần khúc 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đại táo 3 quả, củ đinh lăng 16g, ngũ gia bì 16g, biển đậu (sao) 16g, cam thảo 12g, sinh khương 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: phòng sâm 16g, đương quy 16g, bán hạ 10g, thăng ma 12g, trần bì 10g, thần khúc 10g, thảo quả 6g, ngũ gia bì 12g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 16g, hậu phác 10g, sài hồ 10g, chích thảo 12g, thủ ô chế 16g, quế 10g, sơn thù 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngứa lở ngoài da

Người bệnh ngứa nhiều, gãi nhiều, mặt da bị tổn thương từng mảng, gây tiết dịch, viêm nhiễm, nước tiểu đỏ, da thịt nóng. Nguyên nhân do chức năng gan bị suy giảm và do yếu tố cơ địa. Nguyên tắc điều trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chống dị ứng. Dùng một trong các bài:

Bài 1: đan bì 10g, phòng phong 16g, đinh lăng 20g, thổ linh 16g, hoàng bá 12g, bồ công anh 12g, chi tử 12g, kinh giới 12g, hạ khô thảo 16g, kim ngân 20g, mạch môn 16g, sài đất 20g, hoa hòe (sao) 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: trừ phong ngứa, thanh nhiệt nhuận gan, lương huyết, tiêu độc, chống viêm.

Bài 2: ngân hoa 12g, kinh giới 12g, đương quy 12g, đơn lá đỏ 20g, cỏ mần trầu 20g, lá đinh lăng 20g, liên kiều 12g, huyền sâm 12g, thương nhĩ (sao) 16g, rau má 20g, sài hồ 10g, hạ liên châu 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: chống ngứa chống viêm, giải nhiệt tiêu độc, nhuận gan.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

 

Rate this post