Nguyễn Khôi Nguyên (Hòa Bình)
Đau đầu chóng mặt là một tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu.
Trong điều trị tăng huyết áp, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có kê đơn dùng thuốc lợi tiểu. Ở người bệnh tăng huyết áp, lượng muối và nước dư thừa trong cơ thể khiến thành động mạch chịu thêm nhiều áp lực. Thuốc lợi tiểu sẽ tác động đến thận nhằm tăng lượng muối và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng giúp thành động mạch co giãn nhiều hơn, máu lưu thông một cách dễ dàng hơn. Nhờ hai yếu tố trên, áp lực lên động mạch sẽ giảm xuống đáng kể, đưa mức huyết áp về ngưỡng an toàn. Một số nghiên cứu còn cho thấy thuốc lợi tiểu hỗ trợ rất tốt cho các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác như thuốc ức chế beta, chất ức chế men chuyển angiotensin… khắc phục được tác dụng phụ giữ nước trong cơ thể khi dùng các thuốc này. Vì thế, thuốc lợi tiểu thường được kê đơn như lựa chọn đầu tiên hoặc một thành phần trong thuốc phối hợp theo liều cố định để giúp người bệnh kiểm soát mức huyết áp hiệu quả nhất.
Nhóm thiazid (trong đó có thuốc furosemide) được chọn dùng đầu tiên để điều trị tăng huyết áp nhẹ và các vấn đề về tim mạch khác liên quan đến huyết áp. Thuốc làm giảm nồng độ Na+ thành mạch, làm giảm nhạy cảm của thành mạch với cathecolamin, do đó làm giảm sức cản của hệ tuần hoàn, nhưng phải được điều trị trong nhiều tuần mới thấy rõ tác dụng. Ngoài điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu còn được dùng trong điều trị suy tim, phù phổi cấp, bệnh thận, hội chứng thận hư…
Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra là: đi tiểu thường xuyên, mất nước (nếu uống nước không giảm bớt tình trạng này, người bệnh thấy khát, khô miệng, nước tiểu có màu vàng đậm, táo bón, bạn nên đến bác sĩ để khám), tăng đường huyết, mất kali (chất khoáng tốt giúp hỗ trợ huyết áp bình thường), đau đầu, chuột rút, chóng mặt, mệt mỏi… Khi gặp các triệu chứng trên người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời, thích hợp.
DS. Hoàng Thu Thủy