Phụ nữ lớn tuổi thoải mái vì không có kinh nguyệt rắc rối hàng tháng, nhưng lại phải đối mặt với các triệu chứng của tình trạng mãn kinh không mong muốn. Một số thay đổi sinh lý học sau đây được cho là do estrogen quy định: Chịu trách nhiệm về tuổi dậy thì ở nữ;
Kiểm soát sự phát triển của niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt và vào đầu thời kỳ mang thai;
Tham gia vào sự phát triển vú và sự thay đổi vú quan sát thấy trong thời kỳ mang thai; Đóng một vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương và cholesterol;
Giúp điều chỉnh lượng thức ăn, trọng lượng cơ thể, sự trao đổi chất đối với glucose và độ nhạy insulin.
Nồng độ estrogen thấp biểu hiện như thế nào?
Mãn kinh thường làm giảm lượng estrogen ở nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ ở mọi lứa tuổi có thể gặp mức estrogen thấp do nhiều nguyên nhân khác nữa như cắt bỏ tử cung một phần hay toàn bộ, điều trị bằng chiếu xạ và các trường hợp chán ăn…
Một hệ quả phổ biến và nổi trội do mức estrogen thấp ảnh hưởng xấu lên cấu trúc xương ngày càng tăng ở phụ nữ sau mãn kinh, dẫn đến chứng loãng xương. Estrogen kết hợp với canxi, vitamin D, các khoáng chất khác giữ cho xương chắc khỏe, nếu không có estrogen, xương trở nên giòn và có khuynh hướng dễ bị gãy hơn.
Các triệu chứng khác của estrogen thấp bao gồm: Mệt mỏi; Trầm cảm; Đau ngực; Tâm trạng không ổn định; Nhiễm trùng đường tiểu tăng lên; Khó tập trung; Nhức đầu; Nóng bừng; Kỳ kinh không đều hoặc không thấy; Đau đớn khi quan hệ vì thiếu chất bôi trơn âm đạo.
Và các thực phẩm làm tăng mức estrogen một cách tự nhiên
Nếu bạn đang trải qua các triệu chứng của tình trạng estrogen thấp, có một số thực phẩm giàu estrogen có thể giúp tăng mức độ estrogen của bạn. Những thực phẩm này có chứa phytoestrogen, đó là một estrogen thực vật có thành phần giống estrogen nội sinh khi được chuyển hóa bởi cơ thể. Sau đây là danh sách các loại thực phẩm có chứa lượng phytoestrogen cao. Điều quan trọng cần lưu ý là thực phẩm giàu estrogen có thể có tác dụng không mong muốn ở nam giới.
1. Các sản phẩm đậu nành: Đậu nành là một nguồn phytoestrogen phong phú và có nhiều sản phẩm dễ sử dụng như sữa đậu nành, đậu phụ. Sản phẩm đậu nành là nguồn cung cấp chất isoflavone lớn nhất, là một loại phytoestrogen có thể dễ dàng tiêu thụ trong chế độ ăn uống của bạn. Đậu nành cũng là một nguồn protein rất lớn, làm cho đậu nành trở thành một chất thay thế thịt lý tưởng cho người có nhu cầu ăn chay.
2. Hạt lanh: Hạt lanh chứa gấp 03 lần phytoestrogen so với đậu nành, nhưng cơ thể bạn sẽ chỉ nhận được lợi ích từ hạt lanh khi chúng bị nứt ra hoặc xay trước khi dùng. Hạt lanh cũng có nhiều chất xơ, làm cho bạn cảm thấy no và có thể hỗ trợ giảm cân và giảm cholesterol máu.
3. Hạt mè: Hạt nguyên vẹn – hoặc thậm chí dầu vừng – có chứa lignan, một hợp chất hóa học tìm thấy trong thực vật có chứa phytoestrogen. Các hạt mè cũng chứa nhiều chất xơ và là một nguồn tuyệt vời của khoáng chất.
4. Các loại hạt đậu: Chứa tương đối cao phytoestrogen, nhưng các loại hạt đậu không nhận được nhiều sự chú ý. Hạt đậu các loại được biết đến vì có hàm lượng chất xơ cao, giúp kiểm soát mức cholesterol máu. Các loại đậu bao gồm đậu Hà Lan, đậu pinto và đậu lima…
5. Trái cây khô: Không chỉ là đồ ăn nhẹ lành mạnh, mà còn chứa một lượng nhỏ phytoestrogen. Quả mơ và mận là những nguồn tốt.
6. Cám lúa mì: Cám lúa mì là một thực phẩm đáng tin cậy để có được liều phytoestrogen cần thiết cho bạn. Cám lúa mì có thể được tìm thấy trong muffin, bánh mì và ngũ cốc.
7. Một số loại hạt: Một số loại hạt, bao gồm quả hồ trăn, hạt dẻ và quả óc chó là nguồn tuyệt vời của phytoestrogen.
8. Đậu răng ngựa: Một nguồn đáng tin cậy của phytoestrogen, cũng có nhiều chất xơ và protein. Đậu răng ngựa chứa saponin, là chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây lão hóa. Đậu răng ngựa còn là thực phẩm chứa hàm lượng protein và chất xơ cao do đó sử dụng loại đậu này giúp cải thiện hệ tiêu hóa, cung cấp năng lượng sống cho tế bào, chống rụng tóc và giảm cholesterol. Ngoài ra, đậu răng ngựa còn chứa một số khoáng chất quan trọng như canxi, sắt và magie.
9. Dầu ô liu: Tốt cho sức khỏe của da, móng tay và trái tim bạn, chúng cũng rất tốt cho lượng hormon của bạn. Dầu ô liu có thể phòng ngừa các chứng bệnh như xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, bệnh tim, thận suy yếu, xuất huyết não. Dầu ô liu giàu axit béo có lợi cho cơ thể. Đây cũng là loại dầu có nhiều loại vitamin A, D, D, F, K, chất carotine, vitamin hòa tan chất béo và chất chống oxy hoá.
Làm chủ cơ thể của mình khi rơi vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh chính là chìa khóa để có một sức khỏe tốt, đặc biệt bạn chỉ cần áp dụng các cách đơn giản như thay đổi chế độ ăn uống, kết hợp các thực phẩm giàu estrogen để chống lại tình trạng mãn kinh. Nhưng điều quan trọng là phải biết rằng nội tiết tố có thể có một số hiệu ứng không mong muốn khi chúng trở nên thiếu kiểm soát, cần trao đổi với bác sĩ nếu thấy cần thiết. Ngoài vấn đề ăn uống, bạn cần luôn có một tinh thần thoải mái, giảm stress, tập thể dục đều đặn hàng ngày và có một giấc ngủ ngon nhằm có một sức khỏe thể chất và tinh thần tốt theo mong muốn.
BS. Thiện Trí
(Belmarrahealth, 2017)