Tôi đã điều trị theo đơn bác sĩ cho. Xin quý báo tư vấn người hay bị chóng mặt như tôi cần ăn uống thế nào để hạn chế bệnh?
Hoàng Văn Thu(Nghệ An)
Chóng mặt có thể do bệnh lý như chứng rối loạn não, khối u, dị ứng, nhiễm trùng hoặc chóng mặt do các lý do khách quan như: có chất lỏng ở trong tai, say tàu xe, do uống các loại thuốc như thuốc tiểu đường. Chóng mặt ngoài việc dùng thuốc thì có một số thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm chóng mặt.
Người hay bị chóng mặt cần được cung cấp đủ protein vì protein cũng giúp ổn định lượng đường trong máu và có thể ngăn chặn hoặc giảm chóng mặt gây ra bởi việc bỏ bữa và hạ đường huyết liên quan đến bệnh tiểu đường. Nên ăn protein tối ưu là ít chất béo bão hòa và bao gồm gia cầm không da có thịt trắng như: thịt gà, vịt, cá, các loại đậu, trứng/lòng trắng trứng, đậu hũ và sữa ít chất béo hoặc các sản phẩm đậu nành. Ngoài ra, nên ăn ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp một lượng dồi dào chất xơ và các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như sắt và các vitamin B. Thường xuyên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay cho các loại ngũ cốc tinh chế là một trong những phương pháp ngăn ngừa chóng mặt và các triệu chứng khác của hạ đường huyết. Đối với những người bị thiếu máu gây hiện tượng chóng mặt, mệt mỏi thì việc thường xuyên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt cũng mang lại tác dụng. Các loại ngũ cốc nên sử dụng: bánh mì thô, gạo lức, các loại ngô, lạc, đỗ… Uống nước ép trái cây, trái cây khô cũng rất tốt cho bệnh chóng mặt. Nên hạn chế những chất kích thích, đồ uống có cồn, có ga, không nên bỏ bữa. Ngoài chế độ ăn uống, người hay bị chóng mặt nên giữ tinh thần thoải mái, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
BS. Văn Hào