Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây biến chứng gì?

Bệnh gây đau thắt lưng và có thể gây biến chứng, thậm chí gây tàn phế nếu không được điều trị sớm và đúng.

Đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm được cấu tạo bởi 3 thành phần chính là nhân nhầy, vòng sợi và mỏm sụn và có cấu trúc dạng thớ sợi chắc, xếp theo hình vòng tâm, chứa nhân keo (tức là nhân nhầy đĩa đệm). Đĩa đệm có khả năng đàn hồi và biến dạng khi bị nén và đĩa đệm cũng có vai trò làm giảm chấn động tới các thân đốt sống. Vì vậy, người ta ví đĩa đệm như một bộ phận có tác dụng “làm giảm xóc”.

Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra khi nhân keo của đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống, hay nói cách khác nó là tình trạng đĩa đệm bị ép lồi ra khỏi vị trí bình thường, giữa các đốt sống. Thoát vị đĩa đệm thường tập trung ở các dạng chính là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng. Khi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa (thần kinh hông) sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân (đó là đau dây thần kinh tọa). Trong bài viết này chỉ đề cập đến thoát vị cột sống thắt lưng.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây biến chứng gì?Hình ảnh thoát vị đĩa đệm.

Nguyên gây nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một bệnh hay gặp nhất, vì đây là vị trí chịu nhiều tác động khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. Thoát vị xảy ra do đứt, rách vòng sợi. Hướng của thoát vị đĩa đệm có thể ra sau, lệch bên, vào lỗ ghép gây chèn ép rễ, dây thần kinh vùng cột sống thắt lưng. Cũng có thể ra trước hoặc vào thân đốt, vì vậy, sau đợt cấp thường có hội chứng đau cột sống thắt lưng mạn tính. Vị trí thoát vị thường ở L4 – L5 và S1 do hai đĩa đệm này là bản lề vận động chủ yếu của cột sống. Nguyên nhân quan trọng nhất là do chấn thương, đặc biệt gặp ở người có thoái hóa cột sống thắt lưng, thóai hóa đĩa đệm. Bên cạnh đó phải kể đến yếu tố chấn thương ở những người bệnh đã thoái hóa cột sống thắt lưng. Nguyên nhân thứ hai, đó là do tác động cơ học kết hợp với tiền sử đã thoái hóa cột sống thắt lưng như làm một số hoạt động lặp đi lặp lại liên quan đến việc cúi gập người hoặc vặn xoay người quá mức, hoặc chơi các môn thể thao tác động mạnh (bóng đá, bóng chuyền, bóng chày, bóng rổ, chạy…); có thể xảy ra ở người béo phì do trọng lượng của cơ thể sẽ gây áp lực lên phần đĩa đệm ở thắt lưng hoặc ở người có tiền sử cong vẹo cột sống (bẩm sinh hoặc do ngồi sai tư thế). Với người cao tuổi, do lão hóa xương khớp, nặng hơn là thoái hóa cột sống, đặc biệt là cột sống thắt lưng, khi bưng bê vật nặng sai tư thế. Ngoài ra, một số tác giả còn đề cập đến yếu tố di truyền (nếu bố, mẹ bị mắc chứng bệnh này). Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người do đặc thù nghề nghiệp như ngồi lâu, ngồi nhiều giờ, lặp đi lặp lại nhiều tháng, nhiều năm cũng có thể gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đau thắt lưng là triệu chứng gần như lúc nào cũng có. Đau theo đường đi của rễ, dây thần kinh hông to, kèm theo lệch vẹo cột sống thắt lưng, co cứng cơ cạnh sống, tầm vận động cột sống thắt lưng giảm rõ rệt, thậm chí không thể cử động được trong một thời gian vài ba ngày, có khi lâu hơn và phải dùng thuốc giảm đau, giảm co cơ mới cử động được. Về sau, mỗi khi có những gắng sức tương tự, đau lại tái phát. Người bệnh khó thực hiện các động tác cột sống như cúi ngửa, nghiêng xoay người. Khi đã có sự chèn ép thần kinh, có các triệu chứng đau lan xuống chi dưới làm cho vận động chi dưới khó khăn. Người bệnh sẽ đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn và nếu người bệnh được nằm nghỉ ngơi sẽ đỡ đau.

Biến chứng do thoát vị

Khi bị thoát vị, nếu không được xử trí kịp thời có thể trở thành bệnh mạn tính gây đau thắt lưng thường xuyên. Nếu có chèn ép thần kinh tọa và rễ thần kinh sẽ gây đau nhức, buốt ra vùng mông, dọc theo đùi xuống cẳng chân, mu bàn chân và ngón chân (đặc biệt là đau rát mu bàn chân phía bên có dây thần kinh tọa bị chèn ép). Bệnh tiến triển có thể gây teo cơ làm hạn chế vận động và đại tiểu tiện khó khăn do rối loạn cơ tròn, thậm chí phải thụt tháo và thông tiểu. Biến chứng này làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh này cần hết sức tránh mang, vác, bưng, bê vật nặng sai tư thế. Tránh ngồi lâu, nhiều giờ liền, vì vậy, giữa các giờ làm việc nên đứng dậy, đi lại và vận động cơ thể. Những người có trọng lượng quá mức cần tập và ăn uống hợp lý để giảm béo. Cần tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ.

 

 

BS. Việt Anh

Rate this post