Viêm gan siêu vi B mạn tính là tình trạng bệnh nhân không thể loại bỏ siêu vi viêm gan B ra khỏi cơ thể sau khi nhiễm bệnh giai đoạn cấp tính và tiếp tục nhiễm siêu vi trong tế bào gan kéo dài gần như suốt đời. Viêm gan siêu vi B mạn tính thường không triệu chứng gì rõ rệt nhưng có thể âm thầm dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan bùng phát, xơ gan hay ung thư gan.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B cao nhất thế giới, với tỷ lệ khoảng 10-20% dân số. Bệnh lây qua đường mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B truyền cho con trong lúc sinh, truyền máu hay dùng chung dụng cụ có thể dính máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm môi hay xăm mình, kim chích… và quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh.
Cùng một loại bệnh nhưng mỗi bệnh nhân thường có một liệu trình điều trị khác nhau theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ảnh: Lê Phương. |
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thế Trung, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin cho biết nhiều bệnh nhân thường lo lắng quá mức khi biết mình nhiễm bệnh nhưng ngược lại một số người có thái độ rất chủ quan, không theo dõi bệnh với bác sĩ chuyên khoa gan và chỉ khám bệnh khi đã quá muộn. Để tránh những thái độ không phù hợp này, bệnh nhân cần hiểu rõ về diễn biến của bệnh, biện pháp điều trị và theo dõi bệnh.
Theo bác sĩ Trung, một trong những lo lắng thường gặp của bệnh nhân là khả năng xảy ra biến chứng nhiều hay ít. Trên thực tế khả năng xảy ra biến chứng thay đổi theo từng bệnh nhân, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nặng nhẹ của bệnh,mức độ tăng men gan, nồng độ siêu vi trong máu…. Ngoài ra còn do cơ địa bệnh nhân, thường bệnh nhân nam và người lớn tuổi dễ có biến chứng hơn, các bệnh lý đi kèm như viêm gan khác, tiểu đường…, tiền sử người thân trong gia đình có bệnh gan, có điều trị và theo dõi phù hợp hay không.
Nhiều bệnh nhân thường có thắc mắc cần làm gì để ngăn ngừa biến chứng. Những năm gần đây, y học đã có thuốc đặc trị cho bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính. Mặc dù thuốc không thể loại bỏ hoàn toàn siêu vi ra khỏi cơ thể nhưng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên chỉ định có cần dùng thuốc hay không, loại thuốc và thời gian dùng thuốc không giống nhau giữa các bệnh nhân. Một số bệnh nhân cần được dùng thuốc đặc trị ngay, những bệnh nhân khác chưa cần dùng thuốc nhưng cần được theo dõi định kỳ với bác sĩ chuyên khoa gan để theo dõi diễn biến của bệnh. Trong trường hợp cần điều trị, nhiều bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng siêu vi dạng uống, bệnh nhân khác lại dùng thuốc điều hòa miễn dịch dạng chích.
Về thời gian dùng thuốc, trong khi một số bệnh nhân uống thuốc chỉ vài năm, người khác lại phải uống thuốc kéo dài, gần như là suốt đời. Đôi khi, bệnh nhân cảm thấy rất “nghịch lý” như một số người có nồng độ siêu vi trong máu rất cao nhưng bác sĩ khuyên chưa cần phải điều trị. Một số người khác có nồng độ siêu vi dưới ngưỡng phát hiện sau khi uống thuốc đặc trị trong nhiều năm nhưng bác sĩ bảo phải tiếp tục uống thuốc suốt đời. Do đó bệnh nhân thường có nhiều băn khoăn liên quan đến điều trị như: Khi nào cần dùng thuốc đặc trị? Nếu có chỉ định điều trị, nên dùng loại thuốc gì? Hiệu quả, tác dụng phụ, chi phí và thời gian điều trị của từng loại thuốc như thế nào?
Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân có những thắc mắc khác như: Có nên dùng thuốc hỗ trợ gan, thuốc có nguồn gốc từ thảo dược không? Cần kiêng cữ gì trong chế độ ăn uống và sinh hoạt? Cần làm gì để tránh lây nhiễm bệnh cho người thân và người xung quanh?
Những thắc mắc về bệnh viêm gan, bệnh nhân có thể đến Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin sáng 25/4 để được tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thế Trung giải đáp. Đăng ký tham dự miễn phí (08) 3933 6688.
Lê Phương