Ảnh: Minh Thùy. |
Bình thường, kinh nguyệt của Hồng (Đống Đa, Hà Nội) rất đều, nhưng mấy tháng nay, chu kỳ bỗng bất thường, lúc dài ra, khi ngắn lại. “Có tháng em ‘bị’ tới chục ngày, nhưng có tháng lại quá ngày cả tuần mà chưa thấy ‘đèn đỏ”, Hồng kể. Vì đã có bạn trai nhưng chưa từng đi quá giới hạn nên cô sinh viên 18 tuổi này không sợ có bầu, nhưng cũng lo lắng không biết điều gì đang xảy tới với mình.
“Em cũng muốn đi khám lắm, nhưng khi kể với cô bạn thì bị nó dọa là trong lúc khám hay đặt thuốc, bác sĩ phụ khoa có thể vô tình làm rách màng trinh. Mình cố giữ gìn từng chút một, mà giờ lại bị mất vì lý do vớ vẩn thế thì thật không đáng”, Hồng thổ lộ.
Vì lý do này, Hồng đã tự ý mua thuốc về uống để điều hòa kinh nguyệt, nhưng mãi không đỡ. Gần đây, Hồng bị rong kinh liên miên khiến người xanh xao, mệt mỏi, nhưng vẫn lăn tăn chuyện nên đi khám hay cố đợi cho bệnh tự hết.
Cũng vì ngượng ngùng và lo ảnh hưởng tới cái ngàn vàng mà Trinh (19 tuổi) cố tự chữa bệnh phụ khoa suốt nửa năm liền chứ không đến gặp bác sĩ. Tới khi không thể chịu được những cơn ngứa và bệnh tái phát mỗi ngày nặng thêm, cô thiếu nữ ở Thanh Trì, Hà Nội mới đi khám. Nghe bác sĩ nói “cháu mà không chữa, cứ để thế này thì có khi còn vô sinh vì biến chứng của viêm nhiễm chứ chẳng chơi”, Trinh mới phát hoảng.
“Em chưa từng biết đến ‘chuyện ấy’, lại luôn vệ sinh vùng kín rất sạch sẽ, vậy mà không hiểu sao lại bị như thế”, cô gái băn khoăn. Cô cũng cho biết thực ra, trước đó cũng đã đi siêu âm và khám sức khỏe tổng quát rồi nhưng không dám để bác sĩ đụng chạm tới vùng kín.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà, Hà Nội cho biết, không ít cô gái trẻ khi đến khám bệnh phụ khoa thường tỏ ra ngại ngần, e dè, phần vì sợ “mang tiếng” là đã có quan hệ nên mới mắc bệnh, phần lo bác sĩ làm rách màng trinh.
Theo bà, thực tế, đúng là khả năng viêm nhiễm vùng kín ở phụ nữ chưa có quan hệ tình dục ít hơn người có gia đình, nhưng số thiếu nữ mắc bệnh này cũng không hiếm.
“Màng trinh giống như một lớp bảo vệ ngăn các loại vi khuẩn, nấm xâm nhập vào bên trong. Tuy nhiên, các cô gái, kể cả bé gái 6-7 tuổi cũng vẫn có thể mắc do bộ phận sinh dục nữ nằm ở ngoài, lại gần lỗ tiểu và hậu môn”, bác sĩ giải thích.
Các vấn đề như rối loạn nội tiết, vệ sinh không đúng cách, mặc quần quá chật… cũng là nguyên nhân thường gặp gây các trục trặc về vùng kín ở các cô gái trẻ.
Theo bà, việc không ít thiếu nữ ngại khám bệnh vùng kín vì sợ rách màng trinh cũng dễ hiểu. Ở Việt Nam, các cô gái vẫn được dạy phải giữ gìn trinh tiết tới khi về nhà chồng. Nhiều bé gái lớn lên mà không dám chia sẻ những thắc mắc, rắc rối của bản thân về những vấn đề liên quan tới giới tính, sức khỏe tình dục với ai, kể cả mẹ, chị. Các em ngại hỏi, thường tự loay hoay xử lý hoặc tìm câu trả lời ở bạn bè đồng lứa – những người mà thường cũng chưa có kinh nghiệm hay kiến thức về việc này.
“Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn gái mắc bệnh phụ khoa mà tự ý điều trị bởi có thể khiến bệnh nặng thêm, trở thành mãn tính, thậm chí để lại các di chứng như teo hẹp, tắc vòi trứng, vô sinh…”, bác sĩ khuyến cáo.
Bà cho biết, ngay khi có những biểu hiện bất thường như ra dịch quá nhiều, ngứa, rối loạn kinh nguyệt, bạn gái cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
“Các cô gái cũng không cần quá lo lắng đến chuyện ảnh hưởng ‘cái ngàn vàng’. Khi đi khám, hãy chọn cơ sở uy tín, nói rõ với bác sĩ về tình trạng bệnh cũng như việc mình chưa từng quan hệ, người có chuyên môn sẽ tìm cách khám, chữa phù hợp, hiệu quả mà không làm tổn hại tới màng trinh của bạn”, bác sĩ nói.
Bà cho biết, thông thường, các viêm nhiễm ở phụ nữ chưa có quan hệ tình dục, nếu khám chữa kịp thời, thì thường không quá nặng, và việc xử lý khá đơn giản. Ngay cả việc đặt thuốc cũng không thể làm rách màng trinh. Còn trong quá trình thăm khám, với các cô gái chưa từng quan hệ, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đầu dò qua ngả hậu môn, thay vì qua âm đạo, và điều này vẫn cho kết quả chính xác về bệnh ở phần phụ, nên chị em không cần lo ngại ảnh hưởng.
Vương Linh