(Lê Tuyết Thu – Tiền Giang)
Tỉ lệ sống còn của ung thư buồng trứng (UTBT) liên quan đến giai đoạn chẩn đoán, tỉ lệ sống 5 năm ở người phát hiện bệnh ở giai đoạn I là trên 90% và giảm còn 75 – 80% nếu tổn thương còn trong vùng, đối với di căn xa thì tỉ lệ này là 25%. Mặc dù tiên lượng tốt liên quan giai đoạn sớm của bệnh nhưng tỉ lệ sống 5 năm của toàn bộ bệnh nhân UTBT dưới 45%. Tỉ lệ tử vong do UTBT giảm rất ít trong hơn 30 năm qua. Thật ra thì người ta ít hiểu biết về cơ chế cũng như thời gian tiến triển của UTBT tại chỗ đến giai đoạn xâm lấn ra khỏi vùng. UTBT có thể khởi phát từ nhiều vùng trong ổ bụng vì yếu tố sinh ung thư vẫn phát triển sau khi cắt bỏ buồng trứng bình thường. 90% UTBT là ung thư thượng mô, phần còn lại là từ tế bào mầm hoặc mô khác. Một phân nhóm của ung thư thượng mô được biết là khối u giới hạn (borderline tumors).
Trên những nhóm phụ nữ có nguy cơ cao, người ta sẽ tiến hành các xét nghiệm để chọn lọc ra những người bị nghi ngờ là mắc UTBT giai đoạn sớm để chẩn đoán xác định. Dĩ nhiên gọi là xét nghiệm tầm soát tức thực hiện trên nhóm phụ nữ có nguy cơ cao mà không hề có triệu chứng nào của bệnh, nếu người phụ nữ có những triệu chứng của bệnh UTBT thì không thể gọi là tầm soát bệnh được.
Siêu âm ổ bụng: phụ nữ cần phải được siêu âm định kỳ vùng chậu để phát hiện những bất thường của cơ quan sinh dục (nhất là buồng trứng). Hình ảnh bất thuờng của buồng trứng kết hợp với chất đánh dấu ung thư trong máu cho giá trị chẩn đoán cao. Phết cổ tử cung (PAPs mear): cũng có giá trị phát hiện 10 – 30% các trường hợp UTBT. Chất CA 125 trong máu: đây là một chất đánh dấu ung thư, nó tăng nồng độ trong máu có liên quan đến UTBT. Tuy nhiên trong những ung thư khác như đại tràng, tiền liệt tuyến, phổi thì nó cũng tồn tại. Lysophosphatidic acid – lipid lysophosphatidic acid (LPA) trong máu có liên quan đến UTBT. LPA tăng ở 96% các bệnh nhân bị UTBT và hiện diện ở 90% khi bệnh ở giai đoạn I.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ