Bệnh mạch vành là bệnh lý nguy hiểm
Tim là cơ quan có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi cơ thể và chính nó cũng được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu gọi là mạch vành. Bệnh động mạch vành là tình trạng lớp nội mạc của động mạch vành bị tổn thương, thường là do những mảng xơ vữa bám lên thành mạch máu và từ đó gây hẹp lòng mạch máu này. Ngày qua ngày, mảng xơ vữa hình thành càng nhiều sẽ gia tăng tình trạng hẹp lòng động mạch vành, khiến cho tim không nhận đủ lượng máu cần thiết. Đây là tình trạng thiếu máu cơ tim, có thể khiến người bệnh gặp các triệu chứng đau thắt ngực, khó thở… Bên cạnh đó, nếu một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc hoàn toàn (do mảng xơ vữa bị loét, nứt, vỡ ra, hoặc do cục máu đông hình thành trong lòng mạch máu) sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, tình trạng có thể đưa tới suy tim, choáng tim, rối loạn nhịp tim, tử vong…
Triệu chứng thường gặp nhất trong bệnh mạch vành là đau thắt ngực: người bệnh cảm thấy tim bị đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở; thường xảy ra khi gắng sức, xúc động, tức giận…; thường lan ra hàm, vai, tay và có thể kèm theo nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, yếu, mệt, chóng mặt…Chụp động mạch vành chọn lọc có cản quang làphương pháp tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành.
Chụp động mạch vành chọn lọc có cản quang là phương pháp tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán
bệnh mạch vành
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể từ nhẹ tới nặng mà có phương pháp điều trị bệnh mạch vành từ đơn giản đến phức tạp như: điều chỉnh lối sống, dùng thuốc, can thiệp động mạch vành qua da (nong bằng bóng, đặt giá đỡ), phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Tại sao cần tầm soát bệnh mạch vành?
Bệnh mạch vành có thể diễn biến tiềm tàng trong nhiều năm. Trong đa số trường hợp, các triệu chứng không được để ý cho đến khi động mạch vành bị hẹp nhiều đến một mức độ đáng kể. Nhiều khi bệnh mạch vành chỉ được biết đến khi đã xuất hiện biến chứng, bị nhồi máu cơ tim. Do đó, việc tầm soát bệnh là quan trọng, ngay cả khi chưa có triệu chứng nào của bệnh vì điều này giúp xác định các yếu tố nguy cơ ở giai đoạn sớm, nhờ vậy, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
Mặc dù chụp mạch vành là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhưng không phải bất kỳ trường hợp nào cũng cần chụp mạch vành. Thông thường thì bác sĩ sẽ tầm soát bệnh mạch vành bằng cách đánh giá các yếu tố nguy cơ, từ đó sẽ có hướng xử trí tiếp theo như thay đổi lối sống và điều trị thuốc khi cần, làm xét nghiệm gắng sức hoặc tiến hành chụp mạch vành cho những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.
Yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành bao gồm:
– Những yếu tố nguy cơ chính không thể thay đổi được: tuổi cao trên 65 tuổi, phái tính (nam hoặc nữ đã mãn kinh có nguy cơ cao hơn), di truyền (gia đình có người mắc bệnh mạch vành sớm).
– Những yếu tố nguy cơ chính có thể thay đổi được: hút thuốc (làm tăng nguy cơ lên 2 – 4 lần so với người không hút thuốc), mắc bệnh tăng huyết áp, mắc bệnh rồi loạn chuyển hóa mỡ máu, ít vận động thể lực, quá cân hoặc béo phì, mắc bệnh đái tháo đường.
– Những yếu tố làm tăng nguy cơ tim mạch: stress, uống nhiều rượu, chế độ ăn và dinh dưỡng không tốt.
Cách tốt nhất để đánh giá các yếu tố nguy cơ là làm những xét nghiệm kiểm tra. Thường thì khi kiểm tra, không phải ai cũng đạt được những trị số xét nghiệm lý tưởng. Tuy nhiên, không đạt được các trị số mong muốn không có nghĩa là đã mắc tình trạng bệnh tim mạch nghiêm trọng. Ngược lại, điều này như là hồi chuông báo động để người bệnh bắt đầu thay đổi lối sống theo hướng có lợi cho sức khỏe. Thay đổi lối sống, điều trị thuốc hoặc kết hợp cả hai biện pháp có thể giúp điều chỉnh được các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, ngoại trừ yếu tố di truyền, tuổi và giới.
Khi nào nên bắt đầu tầm soát?
Mặc dù bệnh mạch vành chủ yếu xảy ra ở tuổi trên 40, tuy nhiên, người trẻ hơn vẫn có thể mắc bệnh. Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy lứa tuổi mắc bệnh mạch vành ngày càng giảm. Chính vì vậy, nếu nghĩ rằng mình còn quá trẻ để mắc bệnh mạch vành là sai lầm. Nên biết rằng bệnh mạch vành hình thành từ một quá trình diễn tiến lâu dài, bắt đầu từ việc hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành và mảng xơ vữa phát triển lớn dần ngày qua ngày. “Mầm mống” xuất hiện bệnh mạch vành không phải ở thời điểm phát hiện mà đã có từ trước đó nhiều năm, từ những nguy cơ của bệnh như béo phì, hút thuốc, rối loạn chuyển hóa mỡ máu…
Như vậy, ở lứa tuổi nào nên cần tầm soát bệnh mạch vành để có biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị hiệu quả? Theo Hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association – AHA), mọi xét nghiệm tầm soát bệnh mạch vành nên bắt đầu từ lúc 20 tuổi. Mức độ kiểm tra thường xuyên phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của người bệnh. Có thể sẽ cần làm thêm các xét nghiệm kiểm tra khác hoặc kiểm tra lại định kỳ nếu được chẩn đoán có những tình trạng tim mạch như suy tim, rung nhĩ, hoặc có tiền căn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc những tiền căn bệnh tim mạch khác.
Để kiểm tra và đánh giá mức độ của các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm nồng độ mỡ máu, đường huyết…
Lời khuyên của thầy thuốc
Dù có hay không mắc bệnh mạch vành, đã được điều trị nội khoa, can thiệp mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành thì việc áp dụng lối sống phù hợp giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần thiết: tuyệt đối không hút thuốc; theo dõi huyết áp, kiểm soát huyết áp nếu bị tăng huyết áp; nếu mắc bệnh đái tháo đường thì cần điều trị và kiểm soát tốt mức đường huyết; kiểm tra và điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ máu (nếu có); thường xuyên vận động và tập thể dục ở mức vừa sức; có chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, giàu vitamin, ăn lạt, ít mỡ, không uống rượu, bia…; tránh để thừa cân; sống vui khỏe, điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh để bị stress.
ThS.BS. NGÔ BẢO KHOA