Suy thận mạn (STM) là hậu quả của các bệnh mạn tính của thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng, làm giảm dần mức độ lọc cầu thận. STM gây rối loạn chuyển hóa và giảm đào thải nitơ phi protein như urê, axít uric, creatinin… Thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi và sẽ dẫn đến hàng loạt những biến loạn về sinh hóa và lâm sàng của các cơ quan trong cơ thể. Chế độ ăn để điều trị STM là chế độ ăn nhằm hạn chế tăng urê máu và làm chậm bước tiến của quá trình STM.
. Người bị suy thận mạn nên ăn nhiều chất bột ít đạm như khoai lang, khoai sọ, khoai tây. |
Nguyên tắc của chế độ ăn
Giảm đạm: Dùng protein quý có giá trị sinh học cao để đảm bảo đủ axít amin cơ bản cần thiết và có tỷ lệ hấp thu cao như trứng, sữa, cá, thịt nạc, tôm…
Giàu năng lượng: 35 – 40kcal/kg cân nặng/ngày.
Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu.
Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, giàu canxi, ít phốt-phát.
|
Thực phẩm nên dùng
Nên dùng các loại mật mía, mật ong, kẹo ngọt, chè đường, khoai chấm đường. Bổ sung các thực phẩm có đạm quý như thịt, cá, trứng, sữa nhưng số lượng ít. Sử dụng nhiều chất bột ít đạm như khoai lang, khoai sọ, khoai tây, bột sắn dây, miến dong. Gạo, mì chỉ ăn ít.
Chất béo (dầu, mỡ, bơ) chiếm 20 – 25% tổng năng lượng khẩu phần và có thể hơn nếu ăn được qua chế biến thức ăn. Dùng dầu ăn 25 – 30g/ngày qua chế biến thức ăn.
Nên dùng các loại rau cải, dưa chuột, bầu bí, su hào. Quả nên dùng: na, đu đủ, hồng đỏ, thanh long, dưa hấu. Trường hợp nếu có tăng kali máu phải bỏ rau quả.
Tăng lượng canxi bằng cách dùng tôm, cá, sụn…
Nước uống: ngang hoặc ít hơn lượng nước đái ra hàng ngày.
Ăn nhạt khi có phù, tăng huyết áp, suy tim.
Thực phẩm cần tránh
Cần tránh ăn các thức ăn có phốt-phát như gan, bầu dục; thức ăn nhiều đạm thực vật như đậu đỗ. Rau quả: bỏ các loại chua và không nên ăn rau nhiều đạm như rau ngót, rau giền, rau muống, giá đỗ, các loại đậu đỗ. Lưu ý, nếu tăng kali máu phải hạn chế rau, quả.
PGS.TS. Trần Minh Đạo