Trong bệnh suy thận có dạng suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp là tổn thương cấp tính, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị chuyên sâu, nhưng bệnh có thể được điều trị khỏi và khôi phục được chức năng thận bình thường. Còn suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận, tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận giảm, thận bị tổn thương dẫn đến xơ hóa và mất chức năng không hồi phục… Cuối cùng dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, lúc này hai thận mất chức năng hoàn toàn, đòi hỏi phải điều trị thay thế thận.
Suy thận cấp
Suy thận cấp tính là sự mất đột ngột khả năng thực hiện các chức năng chính của thận, nhằm loại bỏ nước và các muối – điện giải thừa cũng như chất thải từ máu. Khi thận bị mất khả năng lọc, sẽ gây các mức độ nguy hiểm do chất lỏng, chất điện giải và chất thải tích tụ trong cơ thể. Suy thận cấp tính, còn gọi là tổn thương thận cấp tính, phát triển nhanh chóng trong một vài giờ hoặc vài ngày.
Các triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của suy thận cấp có thể bao gồm: Giảm lượng nước tiểu, mặc dù đôi khi lượng nước tiểu vẫn bình thường; giữ nước, gây phù ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân; buồn ngủ, khó thở, mệt mỏi, lẫn lộn, buồn nôn, đau ngực… Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gặp co giật hoặc hôn mê.
Tiêu bản nhu mô thận bình thường (trái) và thận bị suy (phải)
Đôi khi suy thận cấp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng đặc hiệu mà được phát hiện qua các xét nghiệm khác.
Nguyên nhân
Suy thận cấp tính xảy ra khi thận đột nhiên trở nên không thể lọc các chất thải từ máu hoặc có cái gì đó gây tổn thương thận… Hoặc nó có thể xảy ra khi vấn đề khác làm chậm lưu lượng máu đến thận.
Nguyên nhân có thể làm chậm lưu lượng máu đến thận và có thể dẫn đến suy thận bao gồm: Mất máu, huyết áp tụt, đau tim, nhiễm khuẩn, bệnh ở gan (xơ gan), do dùng thuốc (thuốc kháng viêm không steroid), do cơ thể phản ứng dị ứng trầm trọng với một dị nguyên nào đó, bỏng nặng, mất nước…
Nguyên nhân gây hại cho thận và có thể dẫn đến suy thận cấp bao gồm: Cục máu đông trong các tĩnh mạch và động mạch trong và xung quanh thận; thận nhiễm mỡ; viêm cầu thận; hội chứng tán huyết; nhiễm khuẩn; bệnh lở ngoài da do liên cầu A; một số thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh; ngộ độc rượu, kim loại nặng và cocaine…
Nguyên nhân chặn nước tiểu ra khỏi cơ thể (vật cản) và có thể dẫn đến suy thận cấp bao gồm: Ung thư bàng quang; cục máu đông trong đường tiết niệu; ung thư cổ tử cung; ung thư đại tràng; phì đại tuyến tiền liệt; sỏi thận…
Thỉnh thoảng, suy thận cấp tính gây ảnh hưởng lâu dài tới chức năng thận, dẫn đến suy thận mạn. Suy thận cấp tính có thể dẫn đến mất chức năng thận và cuối cùng là tử vong.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị suy thận cấp thường yêu cầu phải ở lại bệnh viện, liên quan đến việc xác định được nguyên nhân và điều trị các biến chứng cho đến khi chức năng thận được hồi phục.
Trong thời gian phục hồi do suy thận cấp, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đặc biệt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế cho thận phải làm việc quá nhiều.
Chọn thực phẩm có lượng kali thấp như táo, bắp cải, cà rốt, đậu xanh, nho và dâu tây. Tránh các thực phẩm có hàm lượng kali cao (như chuối, cam, khoai tây, rau bina và cà chua), các sản phẩm nhiều muối, không ăn đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ đông lạnh… Sau khi thận đã hồi phục thì có thể trở lại chế độ ăn bình thường.
Mặc dù suy thận không thể dự đoán hoặc ngăn chặn nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách: Chỉ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Đối với các thuốc không kê đơn (OTC) như thuốc giảm đau cũng không được lạm dụng vì dùng liều quá cao có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp.
Chạy thận nhân tạo là biện pháp hiệu quả cho người suy thận mạn tính
Suy thận mạn
Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn là các bệnh thận mạn tính, như bệnh cầu thận, bệnh ống – kẽ thận, bệnh mạch máu thận, bệnh thận di truyền. Các bệnh thận mạn tính dù nguyên phát hay thứ phát, đều có thể dẫn đến suy thận mạn. Khác với suy thận cấp, suy thận mạn là suy thận không có khả năng hồi phục, sớm hay muộn sẽ dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Trong quá trình tiến triển của suy thận mạn có những đợt tiến triển nặng, làm thận mất chức năng nhanh hơn. Khi suy thận giai đoạn cuối, đòi hỏi phải điều trị thay thế thận suốt đời.
Triệu chứng và biến chứng của suy thận mạn
Ngoài các triệu chứng giống suy thận cấp như da có màu xám nhợt, phù… thì suy thận cấp còn có các triệu chứng như thiếu máu, xuất huyết, chán ăn, buồn nôn và nôn. Giai đoạn cuối có thể tiêu chảy, loét niêm mạc miệng và đường tiêu hóa.
Biến chứng tim mạch gặp khoảng 50-80% số bệnh nhân bị suy thận mạn. Thường gặp các biến chứng như tăng huyết áp, suy tim ứ huyết, vữa xơ động mạch, bệnh cơ tim và van tim, viêm màng trong tim, các rối loạn nhịp tim. Các biểu hiện chuột rút có thể do giảm natri và calci máu. Yếu cơ, lắng đọng canxi trong cơ gặp ở những bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Có thể bị viêm thần kinh ngoại vi, biểu hiện dị cảm, cảm giác kiến bò, bỏng rát ở chân.
Hôn mê do ure máu cao có thể xuất hiện ở giai đoạn cuối của suy thận. Bệnh nhân thờ ơ, ngủ gà, có thể co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê. Triệu chứng này hiện nay ít gặp vì có thận nhân tạo.
Tổn thương xương trong suy thận mạn được gọi chung là loạn dưỡng xương do suy thận. Đây là hậu quả của giảm canxi máu, tăng phosphat máu, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát, nhiễm độc nhôm. Biểu hiện lâm sàng là đau xương, xuất hiện từ từ có thể rất nhẹ cho đến nặng, bệnh nhân đòi hỏi phải dùng thuốc giảm đau. Đau thường mơ hồ, bệnh nhân không chỉ được chính xác vị trí đau, cảm giác đau sâu. Đau thường ở vùng thắt lưng cùng, khớp háng, khớp gối và hai cẳng chân. Đau xuất hiện từng đợt, kéo dài vài tuần đến hàng tháng, có thể gãy xương tự phát hay nhân một chấn thương nhẹ, thường gặp gãy cổ xương đùi và xẹp thân đốt sống.
Chế độ ăn cho người suy thận mạn
Chế độ ăn cho người suy thận mạn làm sao phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể nhưng lại hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến thận.
Tùy từng giai đoạn bệnh và tùy từng cân nặng của bệnh nhân sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh nhân bị suy thận mạn tính vẫn cần bảo đảm lượng đạm, acid amin cần thiết trong cơ thể. Các chất này có trong thực phẩm thịt lợn nạc, thịt bò, trứng, cá… (trung bình không quá 100g thịt nạc hoặc thịt bò hoặc cá/ngày). Lượng thịt trên có thể thay bằng trứng, đậu phụ, sữa…
Bên cạnh việc giảm đạm, giảm natri, giảm phosphat, phải đảm bảo đủ năng lượng, đủ nước, đủ vitamin và các yếu tố vi lượng để giúp cho quá trình chuyển hóa được tốt. Ăn tăng các chất bột, đường, ăn bổ sung các loại rau, quả ngọt. Các loại quả có vị chua cần hạn chế. Không ăn các loại quả có nhiều kali như các quả đã được chế biến khô như ô mai, nước quả mơ, nước quả sấu, nho khô, khoai tây, chuối… có thể uống thêm các vitamin nhóm B.
Suy thận mạn thường gây chán ăn, ăn không ngon, lại phải theo một chế độ ăn hạn chế đạm, phosphat và natri suốt đời. Vì vậy cần chọn lựa và thay đổi các loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến để có thể không bị chán ăn.
BS.Trần Minh Thiệu